Khủng bố ở Matxcơva : Bước ngoặt trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina
Nguồn: RFI Ngày đăng: 2024-03-25
Người dân Nga vẫn còn bàng hoàng sau vụ khủng bố hôm thứ Sáu 22/03/2024 làm 137 người chết và ít nhất 100 người khác bị thương. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, sự gắn kết xung quanh Vladimir Putin có nguy cơ dẫn đến một sự leo thang hiếu chiến với nước láng giềng Ukraina và châu Âu.
Phòng hòa nhạc Crocus City Hall bị đốt cháy, sau vụ tấn côngkhủng bố ở Krasnogorsk, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 23/03/2024. AFP – STRINGER
Phải chăng « Nga đang là miếng mồi cho thánh chiến Hồi giáo cực đoan », như nhận xét của giới truyền thông Pháp những ngày qua ? Nhận định này cũng có vẻ « khả dĩ » và đáng để tranh luận thêm. Nhưng, điều đáng lo nhất là vụ khủng bố xảy ra vào lúc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đang diễn ra gay gắt và dai dẳng, đôi bên chưa thể phân định thắng bại và chiến tranh có nguy cơ kéo dài.
Nhà địa lý học Jean Radvanyi, chuyên gia về Nga và vùng Kavkaz, giáo sư danh dự tại INALCO, trên nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité, lưu ý, sự kiện nghiêm trọng này gây chấn động dư luận Nga, có nguy cơ sẽ là một bước ngoặt thực sự cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, thậm chí xa hơn nữa là với NATO và châu Âu.
Vụ việc diễn ra đúng vào lúc các lực lượng Ukraina tăng cường oanh kích nhiều cơ sở hạ tầng đặc biệt là năng lượng nằm sâu trong lãnh thổ Nga, nhằm cho người dân Nga thấy rằng họ thật sự đang đối mặt với chiến tranh. Đương nhiên, hành động này dẫn đến các cuộc trả đũa dữ dội từ phía quân Nga nhắm vào Ukraina.
Vài giờ trước khi xảy ra thảm kịch ở Crocus, ngoại ô Matxcơva, giới chức Nga có những phát biểu đáng lo ngại : Trước vụ khủng bố một ngày, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu tuyên bố sẽ cho thành lập thêm hai đội quân mới và 14 sư đoàn vào trước cuối năm nay.
Tiếp đến, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, trong một phát biểu, lần đầu tiên nói đến « chiến tranh », chứ không còn là « chiến dịch quân sự đặc biệt ». Và vài giờ sau đó là cuộc thảm sát thê thảm như Daech (IS) thừa nhận làm 137 người chết, trong đó có 3 trẻ em và 152 người khác bị thương.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Nga đối mặt với nạn khủng bố : Vụ tấn công nhà hát kịch Matxcơva 2002, một trường học ở Beslan năm 2004. Nhưng tác động của các mạng xã hội sẽ mang lại cho bi kịch ở rạp hát Crocus City Hall một cái nhìn rõ nét khác hoàn toàn so với trước đây.
Và do vậy, tất cả những chi tiết này chắc chắn sẽ có những tác động đáng kể đối với người dân Nga tại các thành phố lớn như Matxcơva hay Saint Petersburg, cho đến lúc này vẫn chưa thật sự cảm thấy Nga là một bên tham chiến. Người dân Nga đương nhiên sẽ tự hỏi : Vì sao các lực lượng an ninh đã không ngăn chặn được vụ khủng bố ?
Ukraina bị cáo buộc có liên can với khủng bố
Khi lắng nghe những phát biểu của giới chức Nga, người ta có cảm giác rằng tất cả những diễn biến trên như đã được lên kế hoạch từ trước. Những kẻ khủng bố dường như đã bị bắt, nhưng Vladimir Putin cũng như nhiều quan chức khác trong các phát biểu đều chĩa hướng Ukraina khi cho rằng trong vụ việc này Kiev có một vai trò nhất định, hỗ trợ một nhóm Hồi giáo cực đoan để thực hiện cuộc tấn công khủng bố này.
Người ta có thể hình dung sắp tới, Ukraina có nhiều khả năng sẽ hứng đòn trả đũa từ Nga. Đây cũng sẽ là cái cớ để chính quyền Nga biện minh cho một đợt tổng động viên mới như những lời đồn đãi đang lưu hành trong thời gian gần đây.
Theo ông Jean Radvanyi, tất cả những điều này có thể là một bước ngoặt của xung đột, một giai đoạn leo thang mới giữa bên này và bên kia. Những tuyên bố hiếu chiến về khả năng triển khai quân trên bộ của phương Tây cũng là một phần trong bước ngoặt này, và đây là điều đáng lo ngại.
Châu Âu khẳng định sẽ sát cánh cùng Ukraina đi đến chiến thắng sau cùng. Làm thế nào nhân dân Ukraina có thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến nếu như NATO và quân đội châu Âu không can dự trực tiếp ? Vị chuyên gia về Nga và vùng Kavkaz lưu ý, Nga đã có một nền kinh tế chiến tranh, và một sự gắn kết xung quanh tổng thống. Và nhất là, tại Nga, không có một phong trào hiếu hòa và chống chiến tranh nào có ý nghĩa cả !
---------
Bộ Quốc Phòng Anh: Hạm đội Biển Đen của Nga đã ‘‘tê liệt’’ trên thực tế
Tác giả : Trọng Thành Nguồn: RFI Ngày đăng: 2024-03-25
Tuy phải hứng chịu liên tục các đợt oanh kích dữ dội của Nga, quân đội Ukraina, trong những ngày gần đây cũng giáng cho lực lượng Hải quân Nga nhiều đòn nặng nề. Theo ghi nhận của bộ trưởng Quốc Phòng Anh Grant Shapps, hôm qua, 24/03/2024, trên mạng X, toàn bộ hạm đội Biển Đen của Nga trên thực tế ‘‘đã bị tê liệt’’.
Các tàu của hạm đội Biển Đen của Nga neo đậu tại một trong các vịnh Sevastopol, Crimée, ngày 31/03/2014. © Andrew Lubimov / AP
Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Anh nhận định : ‘‘Nga hiện diện tại Hắc Hải từ năm 1783, nhưng kể từ giờ họ buộc phải neo tàu tại bến, nhưng ngay cả ở đó, các chiến hạm của Putin vẫn tiếp tục bị chìm’’. Theo Luân Đôn, cuộc xâm lăng Ukraina đã khiến Hải quân Nga phải gánh chịu các tổn thất nặng nề.
Nhận định của bộ trưởng Quốc Phòng Anh được đưa ra đúng vào lúc Ukraina thông báo bắn trúng hai tàu đổ bộ của Nga, neo đậu tại Sebastopol, đồng thời phá hủy một trung tâm chỉ huy tại thành phố này. Đây là một đòn nặng nề đối với Hải quân Nga, và một minh chứng mới cho thấy chiến lược của Kiev đánh sâu vào hậu cứ đối phương đang mang lại kết quả.
Về cuộc tấn công hôm thứ Bảy qua ngày Chủ Nhật thông tín viên Pierre Alonso cho biết thêm:
‘‘Trong khi đang gặp nhiều khó khăn ở mặt trận, nơi quân đội Ukraina phải củng cố các tuyến phòng thủ để ngăn chặn bước tiến của Nga, quân đội nước này đã gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào các địa điểm xa tiền tuyến. Ví dụ mới nhất là cuộc tấn công ngoạn mục được thực hiện đêm hôm trước ở bán đảo Crimée, nhắm vào Hạm đội Biển Đen.
Cho dù, đây không phải là lần đầu tiên Kiev tấn công bán đảo bị Nga chiếm đóng, và Yamal cùng Azov, hai tàu đổ bộ bị tấn công, chỉ gia nhập vào danh sách dài các tàu Nga bị đánh chìm trong hai năm qua, nhưng Ukraina dường như quyết định tập trung tấn công nhắm vào hậu cứ đối phương. Chiến lược được gọi là ‘‘hàng ngàn nhát cắt’’ này có mục đích phá vỡ hệ thống các cơ sở hậu cần của Nga.
Đây cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công ở khu vực biên giới Belgorod. Các chiến dịch “đưa” chiến tranh vào lãnh thổ Nga cũng mang lại các tác động về tâm lý. Cùng lúc đó, Kiev cũng tấn công vào các nguồn tài chính của Nhà nước Nga bằng cách oanh kích các cơ sở sản xuất dầu mỏ. Một lần nữa vào sáng thứ Bảy 23/03, drone Ukraina lại tấn công nhiều nhà máy lọc dầu ở vùng Samara, cách biên giới gần 1.000 cây số.’’
----------

 

-right: 0%; margin-top: 1em; margin-bottom: 1.5em; text-align: center; padding-left: 0in;">