In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

5 câu hỏi lớn về kinh tế Trung Quốc
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-04-01
Nhiều cuộc khủng hoảng đến cùng lúc đang phủ bóng lên nền kinh tế số hai thế giới
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa và cải cách kinh tế năm 1978, tăng trưởng GDP bình quân qua các năm đã đạt trên 9%.
Nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành động cơ tăng trưởng của thế giới. Nhưng khi đại dịch Covid-19 tràn tới, động cơ ấy đã gặp trục trặc. Năm 2020, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 2,2%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Năm kế tiếp, con số này đã bật lên mức 8%, nhưng sau đó lại tụt về 3% vào năm 2022.
Liệu đây có phải sự khởi đầu cho giai đoạn trượt dài của kinh tế Trung Quốc?
Cùng xem xét năm câu hỏi lớn dưới đây để hiểu chuyện gì đang xảy ra với nền kinh tế số hai thế giới và những ảnh hưởng của nó đến toàn cầu.
1. Chuyện gì đang xảy ra với kinh tế Trung Quốc?
Tháng Một vừa qua, Trung Quốc công bố GDP nước này tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, mức tăng cao thứ hai trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Hiện quy mô kinh tế Trung Quốc đang gấp năm lần Ấn Độ.
Nhưng ở trong lòng đất nước, người dân có cảm nhận khác: Năm 2023, lần đầu tiên sau năm năm, Trung Quốc ghi nhận tình trạng mất dòng vốn, tức lượng vốn chảy ra nước ngoài cao hơn lượng chảy vào trong nước; tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ chạm mức kỷ lục 20% vào tháng Sáu năm ngoái; và đầu năm nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm.
Xuyên suốt cả năm ngoái, tài khoản Weibo của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã trở thành nơi để một số người Trung Quốc bất mãn tới xả nỗi bức xúc về tình hình kinh tế của đất nước.
Một người dùng khẩn nài được giúp đỡ vì đã “thất nghiệp lâu lắm rồi, lại còn đang gánh nợ”. Một bình luận khác kể chuyện mình thua lỗ trên sàn chứng khoán và đề nghị Mỹ “để dành cho chúng tôi vài quả tên lửa để đánh sập Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải”.
Nhiều bình luận sau đó đã bị xóa, theo truyền thông phương Tây.
TQ: Kiệt sức hay thất nghiệp – những ‘đứa con ở nhà toàn thời gian’
Tống Lâm, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc mở rộng tại Ngân hàng ING của Hà Lan, cho biết lý do Trung Quốc phục hồi yếu kể từ sau đại dịch Covid-19 là bởi “khác với nhiều quốc gia, Trung Quốc không áp dụng các chính sách quá quyết liệt để kích thích tăng trưởng”.
Các nước khác như Mỹ thường tung ra các gói cứu trợ kinh tế trong thời kỳ Covid. Nổi bật là gói cứu trợ 1.900 tỷ USD đầu năm 2021 của chính quyền Biden nhằm hỗ trợ người thất nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ, các bang và chính quyền địa phương.
Ông Tống giải thích: “Chính sách kinh tế của Trung Quốc thường là dè dặt hơn. Kết quả là Trung Quốc không phải lo về lạm phát nhưng tốc độ phục hồi kinh tế cũng chậm hơn.”
Uông Đào, chuyên gia kinh tế từ ngân hàng đầu tư UBS, chỉ ra một nguyên nhân lớn nữa đằng sau tình trạng phục hồi yếu kém: “Trung Quốc đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng bất động sản tồi tệ nhất lịch sử."
“Hơn 60% tài sản hộ gia đình của Trung Quốc nằm ở bất động sản. Khi giá nhà đất giảm, người dân cảm thấy không còn tự tin để chi tiêu, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Một dấu hiệu rõ ràng cho việc đó là lượng mua sắm các mặt hàng gia dụng lớn đã giảm đáng kể,” bà phân tích.
Bán nhà trên giấy là mô hình huy động vốn phổ biến của các công ty bất động sản Trung Quốc. Nhưng bong bóng nhà đất vỡ khiến nhiều dự án không thể hoàn thành, còn người mua có nguy cơ mất trắng tiền cọc.
Các vấn đề của thị trường bất động sản Trung Quốc đang gây ảnh hưởng lớn do khu vực này chiếm tới 1/3 quy mô nền kinh tế.
Toàn ngành đang lao đao vì chiến dịch siết chặt tài chính từ năm 2021, khi chính quyền áp đặt biện pháp hạn chế lượng tiền mà các công ty bất động sản lớn được phép vay.
Trong nhiều năm, ngành bất động sản của Trung Quốc đã quen huy động vốn cho các dự án mới bằng cách vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và bán nhà trên giấy (nhà ở hình thành trong tương lai) cho người mua.
Mô hình kinh doanh này đã tồn tại từ lâu ở nhiều quốc gia, nhưng các nhà phát triển Trung Quốc đang tận dụng quá mức đòn bẩy - tức vay quá nhiều tiền.
Một số nhà phát triển bất động sản lớn đã lâm vào cảnh vỡ nợ trong vài năm gần đây.
Nhiều người Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng tiền cọc đã trả cho chủ đầu tư để mua những dự án chưa khởi công hoặc đang xây dở. Với một số người, khoản cọc đó là toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của họ.
Về phía chính quyền địa phương, vốn đã vay hàng tỷ đô la cho các dự án xây dựng hạ tầng và vẫn dựa nhiều vào việc bán đất để có nguồn thu, tình hình cũng đang ngày một căng thẳng.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2022, tổng nợ của chính quyền địa phương đạt 92.000 tỷ nhân dân tệ (12.600 tỷ USD), tương đương 76% GDP của Trung Quốc, năm 2019 tỷ lệ này là 62,2%.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Từ Thiên Thần, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, “nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng không phải đang khủng hoảng”.
Ông cho rằng thành tích tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm 2010 chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn tín dụng dồi dào, tạo điều kiện phát triển nhanh theo chiều rộng, đi kèm với sự bùng nổ thị trường bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng.
“Khi Trung Quốc bắt đầu cố gắng tái cân bằng từ mô hình đó, việc điều chỉnh là không thể tránh khỏi,” ông nói với BBC.
“Giống như một cỗ máy khổng lồ đang rệu rã và trên một số bộ phận bắt đầu xuất hiện vài vết nứt.”
2. Liệu kinh tế Trung Quốc có vượt Mỹ?
Khi Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 xét theo quy mô GDP, đã manh nha nổi lên nhiều dự báo về việc nước này sẽ vượt qua Mỹ. Đa số đều tin rằng đó chỉ là chuyện sớm muộn.
Sở dĩ có chuyện này là do thành tích kinh tế ấn tượng của Trung Quốc: Trong vòng hai thập kỷ tính đến trước năm 2010, đã có hai giai đoạn Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm hai con số: 1992-1995 và 2003-2007.
Trước khi Trung Quốc mất đà như hiện nay, các dự báo lạc quan cho rằng nước này sẽ vượt Mỹ vào năm 2028, trong khi số khác dè dặt hơn thì lùi mốc này tới năm 2032.
Nhưng với tình hình kinh tế khó lường hiện tại, liệu Trung Quốc có còn thực hiện được tham vọng này?
“Có, nhưng không phải chỉ trong một vài năm mà làm được,” Giáo sư Lý Thành, giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Thế giới Đương đại (CCCW) thuộc Đại học Hong Kong và cựu giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington DC, nhận định.
Ông Từ Thiên Thần thì đưa ra mốc thời gian cụ thể hơn: thập niên 2040.
Liệu Trung Quốc có thể vượt Mỹ trong cuộc đua AI?
Giáo sư Lý giải thích rằng Mỹ cũng phải đối mặt với những bất trắc mang tính đặc thù của mình, bao gồm cả kết quả của cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.
Mọi chuyện phía trước không hề suôn sẻ với nước Mỹ, chia rẽ chính trị sâu sắc, mâu thuẫn sắc tộc, chính sách nhập cư - là một vài trong số những khó khăn trước mắt cần phải lường trước.
“Còn với Trung Quốc, họ đã đạt được một số lợi thế mới, chẳng hạn như đã trở thành nước dẫn đầu ngành xe điện chỉ trong vòng vài năm, khiến nhiều người phải kinh ngạc.”
“Nhưng tin không vui cho Trung Quốc là dân số đang già đi. So với Trung Quốc thì Mỹ nhẹ gánh hơn nhiều, họ có tỷ lệ sinh cao hơn và có nguồn dân số nhập cư để bổ sung cho lực lượng lao động.”
Trung Quốc đang là một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới. Ước tính đến năm 2050, số người trên 60 tuổi sẽ chiếm đến 38% dân số nước này.
Giáo sư Andrew Mertha, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu về Trung Quốc tại trường SAIS thuộc Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, cho rằng chính bản thân giới lãnh đạo Trung Quốc có thể cũng còn do dự.
Trung Quốc thậm chí cũng chưa chắc muốn vượt Mỹ do lo ngại nguy cơ kinh tế đi trật đường ray.
“Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng dự kiến thấp, khủng hoảng bất động sản và việc tái điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, có vẻ giới lãnh đạo Trung Quốc có phần muốn né rủi ro và khó có khả năng sẽ đưa ra các sáng kiến kinh tế đủ đột phá để thách thức thế thống trị của Mỹ.”
3. Hậu quả nào có thể xảy đến với Trung Quốc?
Khi câu hỏi này được nêu lên, người ta thường nghĩ đến cụm từ “thập niên mất mát” - chỉ thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài mà giới chuyên gia đang cảnh báo.
Đằng sau những con số, ông Tống Lâm cho rằng một vòng phản hồi âm của niềm tin là thủ phạm đang kéo tụt nền kinh tế: sụt giảm niềm tin khiến chi tiêu cho đầu tư và tiêu dùng giảm theo, lợi nhuận doanh nghiệp cũng theo đó đi xuống, hậu quả là tài sản mất giá quay lại làm xói mòn thêm niềm tin, cứ như vậy không dứt.
"Cần có các chính sách hỗ trợ để thoát khỏi vòng lặp này."
Một số người sợ rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đánh Đài Loan để xoa dịu bất mãn trong nước.
Trung Quốc coi hòn đảo tự trị này là một tỉnh ly khai mà tất yếu một ngày sẽ trở lại nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Giáo sư Mertha cho rằng ý tưởng về một cuộc chiến như vậy là "hơn cả điên rồ - nhưng tôi nghĩ sẽ có nhiều hành động diễu võ dương oai hơn, như một cách để hiệu triệu đoàn kết”.
Giáo sư Lý cảnh báo rằng “bất cứ ai muốn chiến tranh ở Đài Loan, dù đó là giới làm chính sách ở Trung Quốc, Mỹ hay Đài Loan, đều nên suy nghĩ cho kỹ; cuộc chiến này sẽ rất khác với Ukraine".
Đây có thể sẽ là cuộc chiến AI đầu tiên. Sẽ là một cuộc chiến tổng lực công nghệ cao, giữa máy móc với máy móc.
“Đương nhiên, Đài Loan là vấn đề cốt yếu với Trung Quốc, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc cũng thừa nhận rằng chiến tranh là giải pháp cuối cùng - trong khi kinh tế đình trệ chưa phải lý do đủ lớn để đi đến bước đó.”
4. Trung Quốc khó khăn sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới?
Trung Quốc vừa là công xưởng của thế giới, vừa là nhà nhập khẩu lớn của nhiều loại hàng hóa
Ông Từ Thiên Thần cho rằng ảnh hưởng sẽ đến từ ba phương diện: hàng hóa, du lịch và địa chính trị.
“Thứ nhất, vì Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nên việc nước này mất đà tăng trưởng đồng nghĩa với nhu cầu cho các loại hàng hóa sẽ thấp hơn, đặc biệt là những nguyên vật liệu sử dụng trong xây dựng, như quặng sắt và bauxite.
“Thứ hai, sự sụt giảm lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ là một mất mát cho các điểm đến nổi tiếng - du lịch quốc tế sẽ phải vật lộn để phục hồi lại mức trước đại dịch.
“Thứ ba, kinh tế giảm tốc - đặc biệt nếu có đi kèm với khủng hoảng tài chính công trong nước - sẽ kìm hãm năng lực định hình địa chính trị thông qua các khoản viện trợ và cho vay của Trung Quốc.”
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm tăng cường hiện diện toàn cầu của mình thông qua hàng loạt các khoản đầu tư và dự án cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh đã ký thỏa thuận với 152 quốc gia và rót vốn vào hơn 3.000 dự án.
Nhưng phía chỉ trích cho rằng BRI đã đẩy các nước vào những “bẫy nợ”. Thông qua BRI, Trung Quốc đã trở thành kênh vay vốn ưu tiên đối với nhiều nước có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Một phụ nữ trải nghiệm xe điện tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Hải Nam hồi tháng 3/2024
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022, Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất của Maldives, Pakistan và Sri Lanka.
Các cam kết đầu tư mới công bố của Tập Cận Bình, theo như báo cáo trong kỳ họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) vào tháng Ba vừa qua, đã giảm đáng kể về quy mô so với trước đây.
Điều này cho thấy hoạt động đầu tư ra nước ngoài quy mô lớn là không bền vững trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc hiện tại.
Nhưng ông Tống Lâm nhấn mạnh rằng ngay cả khi đang mất đà, quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ cho phép nước này đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng toàn cầu.
“Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ đóng góp 20% hoặc hơn cho tăng trưởng toàn cầu trong vòng năm năm tới.”
5. Liệu Trung Quốc có thể vực dậy nền kinh tế?
Tự chủ công nghệ là một trong những mục tiêu đang được chính phủ Trung Quốc ráo riết thực hiện. Kỳ họp Lưỡng hội đầu tháng Ba cũng xác định phát triển chất lượng cao là con đường tất yếu của thời đại mới. Nhưng các biện pháp siết chặt bảo hộ thương mại của Mỹ đang chất thêm khó khăn cho nỗ lực tự chủ của Bắc Kinh.
Ông Tống cho rằng giai đoạn phát triển kế tiếp của Trung Quốc là chuyển đổi thành công nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng chất lượng cao hơn và leo lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng.
“Kỳ họp Lưỡng hội vừa qua cho thấy giới làm chính sách tiếp tục chú trọng vào bức tranh vĩ mô đó, cũng như các ưu tiên dài hạn mang tính quyết định đến thành bại của Trung Quốc trong công cuộc chuyển đổi sang giai đoạn kế tiếp.”
Chuyên gia Từ Thiên Thần hiến kế như sau:
“Mấu chốt là Trung Quốc phải giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản một cách có trách nhiệm hơn.
“Thứ hai, cần chuyển trọng tâm chính sách sang phía cầu, thay vì chỉ tập trung vào phía cung của nền kinh tế.
“Trung Quốc cũng nên tăng cường tự do hóa nhiều lĩnh vực cho các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, ngoài ra, sau hơn một thập kỷ áp dụng chính sách tài khóa mở rộng, giờ là lúc nên tiến hành cải cách tài khóa để đảm bảo tính bền vững lâu dài của nền tài chính công.”
Còn trong giai đoạn trước mắt, ông Tống tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% do quốc hội đặt ra.
“Và mặc dù chúng tôi ghi nhận đã có các chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ cao hơn đôi chút, nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng sẽ có thêm các biện pháp kích thích được triển khai trong những tuần và tháng tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024.”
----------