In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

Phân tích: Hong Kong thông qua Điều 23, Bắc Kinh như con thú đang gào thét trong lồng
Tác giả : Mục Thanh • Lạc Á
Biên dịch : Đông Phương
Nguồn: NTD Vn Ngày đăng: 2024-03-21
Trong ảnh là người dân Hong Kong xuống đường phản đối Điều 23 trong "Luật Cơ bản" vào năm 2003. (Mike Clarke/AFP via Getty Images)
Ngày 19/3, Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã nhanh chóng thông qua Luật 23, gây ra làn sóng lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Theo phân tích từ các nhà quan sát, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thà hy sinh phúc lợi xã hội và các quyền cơ bản của người dân cũng phải duy trì an ninh tuyệt đối cho chính quyền. Động thái này cho thấy rõ, Bắc Kinh đã rơi vào một cuộc khủng hoảng cầm quyền toàn diện, giống như một “con thú đang gào thét trong lồng”.
Gần 7h tối ngày 19/3, 27 năm sau khi chủ quyền của Hong Kong được trao cho Bắc Kinh, Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã nhất trí thông qua "Dự luật Bảo vệ An ninh Quốc gia" (thường được gọi là Dự luật Lập pháp Điều 23 trong "Luật Cơ bản") và cho hay, các điều lệ trong đó sẽ cùng với Luật An ninh Quốc gia Hong Kong trở thành luật lệ của chính quyền Hong Kong để xử lý tội phạm an ninh quốc gia.
Điều 23 là điều cuối cùng trong Chương 2 - ‘Mối quan hệ giữa Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đặc khu Hành chính Hong Kong’ của "Luật Cơ bản Hong Kong".
Điều 23 của luật này cũng áp dụng hình thức xét xử kín theo Luật An ninh Quốc gia Hong Kong của Trung Quốc, hành vi có sự can thiệp của nước ngoài và được cho là “gây nguy hiểm” cho an ninh quốc gia sẽ bị xử phạt nghiêm khắc, hành vi sở hữu hoặc tiết lộ bí mật quốc gia sẽ bị coi là tội phạm hình sự. Trong số đó, tội phản quốc, tội phá hoại, tội kích động nổi loạn, tội trộm cắp bí mật nhà nước và tội gián điệp có thể bị phạt từ 7 năm tù trở lên, thậm chí là tù chung thân.
Bắc Kinh mất 20 năm để đưa Điều 23 thành luật
Chính quyền Hong Kong bắt đầu đưa ra Điều 23 vào năm 2003, nhưng khi đó đã bị những người theo chủ nghĩa dân chủ phản đối mạnh mẽ. Hơn 500.000 người đã xuống đường biểu tình để phản đối Điều 23 và yêu cầu Trưởng Đặc khu Hong Kong khi đó là ông Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa) từ chức. Sau đó, chính quyền Hong Kong đã phải rút lại dự thảo "Điều lệ An ninh Quốc gia" này.
Năm 2012, ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying), người được cựu Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tăng Khánh Hồng một tay nâng đỡ, đã nhậm chức Đặc khu trưởng Hong Kong và một trong “4 nhiệm vụ chính trị lớn” của ông Lương là thúc đẩy Điều 23, nhưng ông Lương cũng không hoàn thành được nhiệm vụ chính trị này.
Vào ngày 30/6/2020, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong”. Cùng ngày, luật này được đưa vào Phụ lục III của “Luật Cơ bản” dưới dạng pháp lý và ngay lập tức có hiệu lực tại Hong Kong. Sau đó, Điều 23 một lần nữa được đưa vào chương trình nghị sự.
Vào tháng 11/2023, Trưởng Đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) nói rằng chính quyền Hong Kong sẽ hoàn thành việc lập pháp đối với Điều 23 vào năm 2024, luật này sẽ tập trung vào việc ngăn chặn hoạt động gián điệp.
Ảnh chụp ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) ở Hong Kong vào năm 2019. (Billy H.C. Kwok/Getty Images)
Hôm 30/1/2024, ông Lý Gia Siêu tuyên bố sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý kiến của cộng đồng về việc lập pháp Điều 23 của Luật Cơ bản và bổ sung một tội mới là “tội can thiệp của nước ngoài” vào “7 tội danh” gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Cuộc trưng cầu ý kiến này chỉ kéo dài một tháng, khiến giới quan sát không khỏi đặt câu hỏi liệu đây có phải chỉ là "làm cho có thủ tục" hay không. Truyền thông Hong Kong từng đưa tin, chính quyền Hong Kong muốn hoàn thiện việc lập pháp Điều 23 trước khi Hội đồng Lập pháp họp vào tháng 7.
Tới ngày 19/3/2024, Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Hong Kong đã thông qua Điều 23, tốc độ lập pháp nhanh chóng này đã thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài. Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã cải tổ cơ quan lập pháp của Hong Kong để loại bỏ bất kỳ ý kiến phản đối nào.
Mắc kẹt trong khủng hoảng cầm quyền, ông Tập luôn bất an về Hong Kong
Nhà văn, nhà hoạt động xã hội người Mỹ gốc Hoa - bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue) nói với phóng viên The Epoch Times rằng, ông Tập Cận Bình luôn rất lo lắng về Hong Kong. Từ năm 2019 đến nay, ông ta đã chứng kiến tâm lý và khả năng phản kháng của người dân Hong Kong đối với Bắc Kinh, cũng như sức ảnh hưởng của họ trên trường quốc tế, vậy nên ông ta hy vọng có thể nhanh chóng hoàn toàn kiểm soát Hong Kong từ gốc rễ.
Vào tháng 3/2019, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong lúc đó là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor) đã thúc đẩy Dự luật dẫn độ Hong Kong (sửa đổi) 2019 và dẫn đến phong trào chống dẫn độ. Hơn một triệu người dân Hong Kong đã xuống đường biểu tình và đây là sự kiện chưa từng có. Dự luật này cho phép dẫn độ nghi phạm hình sự ở Hong Kong về Trung Quốc đại lục để xét xử; những người phản đối dự luật này không tin tưởng vào hệ thống tư pháp của Trung Quốc và lo ngại rằng việc dẫn độ nghi phạm về đại lục sẽ dẫn đến những phiên tòa không công bằng và làm suy yếu quyền xét xử tư pháp độc lập của Hong Kong - quyền này được nêu rõ trong trong chính sách “Một quốc gia, Hai chế độ”“Luật Cơ bản” của Hong Kong.
Phong trào chống dẫn độ của người dân Hong Kong không có sự lãnh đạo thống nhất và chủ yếu được tổ chức thông qua kêu gọi trên mạng xã hội. Những người ủng hộ phong trào này chủ yếu tham gia vào các phong trào bất hợp tác như biểu tình, mít tinh, tĩnh tọa (ngồi im), ca hát và dựng lên Bức tường Lennon (một tác phẩm nghệ thuật), v.v.
Một cuộc diễu hành "chống dẫn độ" với 1 triệu người đã làm chật cứng toàn bộ đường phố ở Hong Kong vào ngày 9/6/2019. (Ảnh: Sung Pi-Lung/The Epoch Times)
Bà Thịnh Tuyết cho rằng việc thúc đẩy thông qua Điều 23 này không chỉ cấp bách đối với chính quyền trung ương của ông Tập Cận Bình mà còn đối với chính quyền địa phương Hong Kong. Các quan chức thân Bắc Kinh ở Hong Kong biết rất rõ rằng họ cần bảo vệ địa vị của mình, nếu làm trái ý của Trung ương, họ sẽ bị trừng phạt.
Bà Thịnh Tuyết chỉ thẳng ra rằng: "Ông Lý Gia Siêu đã trở thành một bí thư đảng ủy ở Hong Kong của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự nóng lòng tranh công của ông ta đằng đằng sát khí, đã hoàn toàn không chỉ dừng lại ở lời nói". Vào cuối tháng 1 năm nay, ông Lý Gia Siêu nói với giới truyền thông rằng công tác lập pháp này “đã phải đợi trong 26 năm và chúng tôi không thể chờ đợi lâu hơn nữa”.
Bà Thịnh Tuyết nói: “Trên thực tế, trong 27 năm kể từ khi Bắc Kinh đoạt lại Hong Kong, họ đã sắp đặt xong bố cục ở Hong Kong”.
Cựu luật sư Bắc Kinh, Chủ tịch Mặt trận Dân chủ Trung Quốc ở Canada - ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping) nói với phóng viên The Epoch Times: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rơi vào một cuộc khủng hoảng cầm quyền toàn diện và đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Họ kiểm soát xã hội chặt chẽ vì muốn duy trì sự thống trị chuyên chế, bước đi ở Hong Kong là một bước căn bản để Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền của ông Tập Cận Bình thắt chặt sự cai trị độc tài của họ”.
Ông Lại nói: "Hong Kong ban đầu có sự tự do nhất định, nhưng ĐCSTQ không thể chấp nhận hiệu ứng này lan sang đại lục. Để xóa sạch quyền tự do của Hong Kong, họ cần tăng cường sự kiểm soát tổng thể đối với xã hội Hong Kong bằng cái cớ an ninh quốc gia. Họ bất chấp tất cả để làm ra điều sai trái này. Họ cũng không ngần ngại vi phạm ‘Tuyên bố chung Trung - Anh về Hong Kong’ và ‘Luật Cơ bản Hong Kong’, đồng thời đặt ra nhiều quy định dưới danh nghĩa Điều 23 vì an ninh quốc gia".
Nội dung các điều khoản mơ hồ, định nghĩa không rõ ràng
Việc thông qua Điều 23 sẽ làm cho hàm nghĩa của ‘an ninh quốc gia’ mở rộng sang cả các vấn đề khác, bao gồm cả kinh tế; các tài liệu được coi là bí mật nhà nước cũng nằm trong phạm vi của ‘an ninh quốc gia’, chẳng hạn như những tài liệu liên quan đến phát triển xã hội và công nghệ.
Ông Ho-fung Hung, Giáo sư xã hội học tại Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, cho rằng khi các vấn đề kinh tế và xã hội cũng được coi là bí mật nhà nước, “điều đó có nghĩa là nó có thể bao gồm bất cứ thứ gì”.
“Bởi vì các điều khoản này rất hà khắc và không được định nghĩa rõ ràng, ngay cả những doanh nhân không liên quan gì đến chính trị cũng có thể gặp rắc rối và đối mặt với nguy cơ bị lục soát văn phòng, các cá nhân sẽ bị tạm giam, bị bắt giữ hoặc bị cấm rời xuất cảnh, như rất nhiều trường hợp ở Trung Quốc đại lục”, ông Hung nói.
Cảnh sát Hong Kong mang theo bằng chứng rời khỏi trụ sở của tờ báo Apple Daily và nhà xuất bản Next Digital Ltd. vào ngày 17/6/2021 tại Hong Kong. (Anthony Kwan/Getty Images)
Bà Thịnh Tuyết cho rằng, việc thông qua Điều 23 đã đặt ra một số tội danh mới liên quan đến nổi loạn, trộm cắp bí mật nhà nước và can thiệp của nước ngoài…; đây cũng là một bộ gông cùm mới mà ĐCSTQ muốn áp lên toàn bộ xã hội Hong Kong.
Bà Thịnh nói, vì nhiều điều khoản còn mơ hồ và ranh giới rất mờ nhạt nên Điều 23 có thể được dùng để áp đặt tội danh cho bất kỳ ai; công chúng cũng rất khó để có thể nắm bắt được ranh giới của những điều khoản này.
Ví dụ như đối với hành vi nổi loạn, dụ dỗ tạo phản, cố ý kích động, v.v. "Ý định đó trên thực tế là tư tưởng của một người, định tội cho tư tưởng đồng nghĩa với việc chính quyền nói sao là vậy, có thể định đoạt bất cứ điều gì".
Bà Thịnh Tuyết cho biết, nhiều tội danh trong luật mới này được mô tả rất không chính xác và không có ranh giới rõ ràng. Trong trường hợp này, chỉ cần Bắc Kinh cho rằng đó là hành vi gây bất lợi cho sự kiểm soát của họ ở Hong Kong, họ đều có thể quy cho đó là sự can thiệp của nước ngoài hoặc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và định tội.
Bà Thịnh Tuyết nói: “Trên thực tế, Điều 23 là bộ luật an ninh quốc gia thứ hai được Bắc Kinh thông qua ở Hong Kong. Điều này cho thấy ĐCSTQ rất không yên tâm về Hong Kong, đồng thời cũng cho thấy họ đã nhận thức rõ về khả năng phản kháng và tầm ảnh hưởng của Hong Kong".
Trước đây, cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi từng lên án Điều 23 trong “Luật Cơ bản” của chính quyền Hong Kong là “dùng an ninh quốc gia như một cái cớ để tiến thêm một bước trong việc định đoạt các quyền lợi cơ bản của công dân là phạm tội và đàn áp tiếng nói dân chủ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller chỉ ra trong một tuyên bố vào ngày 28/2 năm nay rằng, Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại về đề xuất của chính quyền Hong Kong khi áp đặt các định nghĩa rộng rãi và mơ hồ về “bí mật nhà nước”“sự can thiệp từ bên ngoài”, qua đó khiến người dân vì lo sợ bị bắt giữ và tạm giam mà không dám cất lên tiếng nói phản đối.
Một sĩ quan chống bạo động đứng gác trong cuộc biểu tình tại một trung tâm thương mại ở Hong Kong vào ngày 6/7/2020. (Ảnh: Isaac Lawrence/AFP/Getty Images)
Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, Hong Kong sẽ trở thành một cảng chết
Ông Lại Kiến Bình cho biết: "Luật 23 là một đạo luật xấu. Nó chỉ có một mục đích, chính là thắt chặt sự cai trị độc tài đối với Hong Kong và biến Hong Kong thành một thành phố do ĐCSTQ kiểm soát như bao thành phố khác ở Trung Quốc đại lục, chứ không còn là một cảng tự do".
Việc thông qua Điều 23 đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Vào ngày 19/3, 78 nghị sĩ quốc tế thuộc các đảng và các nhân vật của công chúng đã đưa ra tuyên bố chung lên án việc chính quyền Hong Kong thông qua “Dự luật Bảo vệ An ninh Quốc gia”.
Ông Lại nói rằng, khi còn nằm dưới quyền kiểm soát của Vương Quốc Anh, Hong Kong có lịch sử thịnh vượng và tự do trong hơn 100 năm, khiến nơi đây trở thành Hòn ngọc Phương Đông, trung tâm tài chính của châu Á và một cảng tự do. Giờ đây dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hong Kong sẽ trở thành một cảng chết, một cảng hôi hám. Đây là kết quả mà cả thế giới không muốn nhìn thấy.
Quang cảnh đường chân trời của Hong Kong khi một cơn bão đổ bộ vào thành phố này hôm 2/4/2014. (Ảnh: Philippe Lopez/AFP/Getty Images)
Lợi ích của Hong Kong và Trung Quốc có bị tổn hại hay không, ĐCSTQ không quan tâm
Bà Thịnh Tuyết cũng nói rằng, chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn không quan tâm đến lợi ích của Hong Kong hay của toàn Trung Quốc.
Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, trong khi Trung Nam Hải đang cấp thiết thu hút đầu tư nước ngoài thì họ lại cưỡng ép thông qua Điều 23.
Ông Lại Kiến Bình nói: "Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn nói một đằng, làm một nẻo, muốn cứu vãn tình trạng suy thoái kinh tế nhưng lại muốn siết chặt chế độ độc tài. An ninh chính trị là trên hết, còn mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Bởi vì mục đích cầm quyền của họ không phải là vì phát triển kinh tế, vì phúc lợi của người dân, mà hoàn toàn là vì độc quyền quyền lực chính trị cho cá nhân. Vậy nên an ninh chính trị mới được coi trọng hơn tính mạng [của nhân dân], việc duy trì ổn định và kiểm soát xã hội được ưu tiên tuyệt đối, cho dù có phải gây tổn hại cho nền kinh tế”.
Ông Lại Kiến Bình nói, ĐCSTQ cho rằng mình có quân đội đủ mạnh để trấn áp xã hội và dân chúng, họ cũng mặc kệ nền kinh tế sẽ suy thoái trong tạm thời hay dài hạn, vì họ đã có kinh nghiệm: 50, 60 năm trước, hàng chục triệu người ở Trung Quốc đã chết đói nhưng người dân Trung Quốc cũng không thể làm gì trước bộ máy chuyên chế hùng mạnh của đảng này.
Ông Lại nói: “Mặc dù Tập Cận Bình muốn khôi phục tăng trưởng kinh tế, để nhiều đầu tư nước ngoài quay trở lại Trung Quốc và để nhiều công ty tư nhân có dũng khí xông pha vào thị trường, nhưng các động thái của ông ta đã làm các nhà đầu tư nản lòng”.
“ĐCSTQ thà chọn hy sinh nền kinh tế, hy sinh sự thịnh vượng, hy sinh phúc lợi xã hội và các quyền cơ bản của người dân, cũng phải đặt việc duy trì quyền lực chính trị lên hàng đầu. Vậy nên họ phải đưa ra nhiều luật lệ hung ác để kiểm soát đất nước, kiểm soát xã hội và người dân Hong Kong".
Trong ảnh là một người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối lập pháp Điều 23 khi tham gia cuộc biểu tình chống dẫn độ vào ngày 26/4/2020 ở Hong Kong. (Anthony Kwan/Getty Images)
Thế giới cần chung tay ngăn chặn ĐCSTQ làm điều ác
Việc nhanh chóng thông qua luật này cũng cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trong nguy hiểm. Ông Lại Kiến Bình nói: “Bởi vì chính quyền càng mong manh thì nguy cơ càng lớn, lại càng giống như con thú đang gào thét trong lồng, nó liều lĩnh được ăn cả ngã về không. Nó làm mọi cách để quàng chiếc thòng lọng này vào cổ người dân, siết dây càng chặt thì nó càng cảm thấy an toàn. Nhưng như vậy thì nhân dân càng bất bình, sẽ hình thành một vòng luẩn quẩn. Cuối cùng nó sẽ sụp đổ, trật tự cai trị này không thể duy trì được nữa”.
Ông Lại chỉ ra: “Việc cộng đồng quốc tế lên án ĐCSTQ sẽ khiến chế độ này có phần kiêng dè, nhưng bản chất xã hội đen của ĐCSTQ đã quyết định rằng nó sẽ đi theo con đường riêng của nó. Chúng ta không thể mong đợi ĐCSTQ sẽ thay đổi dưới áp lực từ bên ngoài”. “Người dân Trung Quốc phải hành động để lật đổ hoàn toàn chế độ hung ác này, để Trung Quốc, Hong Kong và thế giới có thể trở lại trạng thái bình thường như thuở đầu”.
Còn bà Thịnh Tuyết cho rằng, trong thế giới tự do ngày nay, các nước dân chủ nên hợp lực để trừng phạt các hành động của ĐCSTQ ở Hong Kong và làm cho chính quyền chuyên chế này nhận ra rằng hành động của họ ở Hong Kong sẽ phải trả giá rất đắt. “Nếu cả thế giới có thể hợp lực để chống lại ĐCSTQ, điều đó có nghĩa là thế giới nên hạn chế hơn nữa những hành động xấu xa của ĐCSTQ và mau chóng thúc đẩy chính quyền này sụp đổ".
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Đông Phương biên dịch
----------