Cơ quan nhân quyền LHQ kêu gọi ngừng vận chuyển vũ khí tới Israel
Nguồn: AP - VOA Ngày đăng: 2024-04-05
Một cuộc họp tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước ngừng bán hoặc vận chuyển vũ khí cho Israel trong một nghị quyết được thông qua hôm 5/4 nhằm giúp ngăn chặn những vi phạm nhân quyền đối với người Palestine giữa bối cảnh chiến dịch quân sự của Israel bùng nổ ở Gaza.
Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu với tỷ lệ 28-6 ủng hộ nghị quyết, với 13 phiếu trắng.
Biện pháp sâu rộng này nhắm vào một loạt hành động của Israel như cản trở việc tiếp cận nguồn nước và hạn chế các chuyến hàng viện trợ nhân đạo vào các khu vực của người Palestine. Nghị quyết cũng kêu gọi các nhà điều tra độc lập được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn báo cáo về các chuyến hàng vũ khí, đạn dược và các mặt hàng “lưỡng dụng” – ứng dụng trong cả dân sự và quân sự – có thể được Israel sử dụng để chống lại người Palestine.
Mặc dù không mang tính ràng buộc, nhưng nghị quyết này chắc chắn sẽ gây áp lực quốc tế lên Israel như một dấu hiệu cho thấy mối lo ngại rộng rãi về chiến dịch quân sự của nước này ở Gaza, vốn bắt đầu nhằm đáp trả các cuộc tấn công ở Israel của các chiến binh có vũ trang Hamas vào ngày 7/10, dẫn đến gần 33.000 người Palestine bị thiệt mạng.
Các nước phương Tây đang bị chia rẽ. Mỹ và Đức phản đối nghị quyết, Pháp và Nhật Bản bỏ phiếu trắng, trong khi Bỉ, Phần Lan và Luxembourg bỏ phiếu ủng hộ.
Tiếng vỗ tay kéo dài đã làm gián đoạn chủ tịch hội đồng khi ông đọc kết quả. Đại sứ Israel cho biết bà sẽ không tham dự phần còn lại của phiên họp trong ngày và gọi nghị quyết này là “vết nhơ đối với Hội đồng Nhân quyền và Liên Hiệp Quốc nói chung”.
“Hội đồng này từ lâu đã bỏ rơi người dân Israel và luôn bảo vệ cho Hamas”, bà Meirav Eilon Shahar nói về nhóm chiến binh đứng sau các vụ tấn công. “Nó đã trở thành lá chắn cho những kẻ khủng bố. Họ đã nhắm mắt làm ngơ trước mọi hành vi bạo lực chống lại người Israel và người Do Thái”.
Bà nói bà đặc biệt thất vọng về các nước châu Âu ủng hộ biện pháp này, và gọi đích danh Bỉ, Luxembourg và Phần Lan, vì ủng hộ một nghị quyết không lên án Hamas.
“Tôi không biết có ai trong số quý vị có đếm hay không, nhưng Israel xuất hiện trong nghị quyết 59 lần – 59 lần”, bà nói với các phóng viên sau đó. “Hamas hoàn toàn không xuất hiện”.
Trước cuộc bỏ phiếu, đại sứ Palestine tại Geneva, Ibrahim Khraishi, đã lên án “thảm họa nhân đạo” ở Gaza, đồng thời kêu gọi các đặc phái viên “đánh thức và ngăn chặn nạn diệt chủng này… được truyền trực tiếp đến toàn thế giới, giết chết hàng nghìn người Palestine vô tội”.
Phát biểu bằng tiếng Ả Rập, ông Khraishi ám chỉ đến nạn diệt chủng người Do Thái ở châu Âu vào thế kỷ trước và nói: “Chúng ta không chịu trách nhiệm, nhưng chúng ta đã phải trả giá cho những gì đã xảy ra trong Thế chiến thứ hai”.
Israel – đôi khi có sự tham gia của Hoa Kỳ – đã chỉ trích thường xuyên và thẳng thắn hội đồng này vì những thành kiến bị cho là chống Israel. Hội đồng đã thông qua nhiều nghị quyết chống lại Israel, vì những hành động của nước này đối với người Palestine trong những năm qua, nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Hội đồng sắp kết thúc phiên họp đầu tiên trong năm, bắt đầu từ ngày 26/2, với hơn 40 nghị quyết về các chủ đề đa dạng như quyền trẻ em, môi trường và nhân quyền, phòng chống diệt chủng, và tình hình nhân quyền ở các nước như Sudan, Belarus và Triều Tiên.
Hôm 4/4, các nghị quyết đã được thông qua về tình hình nhân quyền phức tạp ở những nơi như Myanmar, Iran, Ukraine và Syria.
Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh sự chú ý ngày càng tăng vào các chuyến hàng chở vũ khí tới Israel – đặc biệt là từ quốc gia ủng hộ mạnh nhất của nước này là Hoa Kỳ – khi Israel tiếp tục chiến dịch quân sự ở Gaza.
Trong dấu hiệu cho thấy Washington ngày càng mất kiên nhẫn với cách xử lý chiến dịch quân sự của Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/4 đã đưa ra cảnh báo rõ ràng tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng sự hỗ trợ trong tương lai của Mỹ đối với cuộc chiến ở Gaza của Israel phụ thuộc vào việc thực hiện nhanh chóng các bước mới để bảo vệ thường dân và nhân viên cứu trợ.
Đây là lần đầu tiên ông Biden đe dọa sẽ suy nghĩ lại việc ủng hộ nếu Israel không thay đổi chiến thuật và cho phép thêm viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Đại sứ Hoa Kỳ Michele Taylor, khi ám chỉ đến cuộc tấn công của Israel khiến 7 nhân viên nhân đạo của World Central Kitchen ở Gaza thiệt mạng trong tuần này, nói với hội đồng: “Israel chưa làm đủ để giảm thiểu thiệt hại cho thường dân”.
Nhưng bà Taylor nói nghị quyết có “nhiều yếu tố có vấn đề – quá nhiều để có thể nêu ra đầy đủ”, đồng thời lưu ý rằng nó thiếu “sự lên án cụ thể đối với Hamas vì đã gây ra vụ tấn công kinh hoàng ngày 7/10” ở Israel.
----------