An ninh Việt Nam liên quan 'Hội chứng Havana' khiến Phó Tổng thống Harris đến Hà Nội trễ?
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-04-02
Bà Kamala Harris đã đến trễ sau khi xảy ra "sự cố y tế" ở Hà Nội
Nga có thể là tác giả liên quan đến vụ "Hội chứng Havana" trước chuyến đi của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Hà Nội hồi tháng 8/2021.
Đây là một trong các kết luận gây chú ý trong cuộc điều tra của đài CBS phối hợp với The Insider và Der Spiegel được công bố ngày 31/3.
Chuyến bay của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris từ Singapore đến Hà Nội đã bị hoãn trong ba giờ vào ngày 24/8/2021.
Thay vì thời gian đáp xuống Hà Nội là khoảng 18-19 giờ như dự kiến, bà Harris đã đến Nội Bài vào lúc khoảng 22 giờ.
Vào thời điểm đó, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã ra thông cáo rằng nguyên nhân là do "một trường hợp y tế có thể là bất thường mới phát sinh tại Hà Nội, Việt Nam. Sau khi đánh giá một cách cẩn trọng, quyết định được đưa ra là chuyến thăm sẽ tiếp tục."
Trong lễ ký thỏa thuận về địa điểm đại sứ quán mới giữa Mỹ và Việt Nam, diễn ra ở Hà Nội một ngày sau đó (25/8/2021), khi được hỏi về sự cố y tế "Hội chứng Havana", Phó tổng thống Mỹ chỉ cảm ơn các nhân viên đại sứ quán và không đề cập về trường hợp y tế bất thường trước đó.
Theo thông tin của cuộc điều tra, có 11 quan chức Mỹ bị thương trong cuộc tấn công theo kiểu được cho là "Hội chứng Havana" trước chuyến đi của bà Kamala Harris đến Hà Nội.
Ít nhất 2 người được sơ tán y tế ra khỏi Việt Nam, theo tường thuật từ NBC News ngày 24/8/2021.
Cụ thể, vài giờ trước khi bà Harris đến Hà Nội, nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội được ông Christopher Klein, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam thông báo về việc đã có những người gặp tai nạn liên quan đến sóng âm bất thường tại Hà Nội.
"Hội chứng Havana" bao gồm các triệu chứng như nôn mửa, chóng mặt, đau nửa đầu, suy giảm thính giác và thị giác. Những triệu chứng này có thể kéo dài.
Nga đã chuyển giao công nghệ cho Việt Nam?
Đài CBS của Mỹ công bố thông tin khẳng định có bằng chứng mới về khả năng Nga có thể có liên quan đến "Hội chứng Havana" trong chuyến đi của bà Kamala Harris và có thể chính người Việt Nam đã được chuyển giao công nghệ để thực hiện vụ việc trên.
Một nguồn tin của CBS cho biết có thông tin phía Việt Nam đã sử dụng công nghệ này để nghe lén người Mỹ trước chuyến đi của bà Harris - nhưng họ có thể không biết rằng công nghệ này có thể làm tổn hại đối với mục tiêu mà họ nhắm tới.
Christo Grozev, nhà báo điều tra cho The Insider - một cơ quan truyền thông độc lập, có nội dung tập trung về Nga, và chuyên về báo chí điều tra - đã phát hiện một tài liệu cho thấy giả thuyết Nga can dự vào vụ tấn công có thể đúng.
Cụ thể, 5 tháng trước chuyến thăm của bà Harris đến Hà Nội, một email đã được gửi đến Hội đồng An ninh Quốc gia Nga.
Tài liệu bên trong email này đề cập đến việc cơ quan tình báo Nga đã vận động và được Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp thuận cung cấp công nghệ độc quyền đó cho an ninh Việt Nam, theo CBS.
Trong số các công nghệ được đề xuất chia sẻ có "Thiết bị tạo âm tầm xa (LRAD)""thiết bị sóng ngắn để quét thân thể".
LRAD, do tập đoàn LRAD của Mỹ phát triển, là một thiết bị siêu âm dùng trong quân sự, tạo ra áp suất âm thanh lên tới 162dB, vượt ngưỡng tai người có thể chịu đựng được (khoảng 130dB).
Trung tá Greg Edgreen, một sĩ quan về hưu của Lục quân Mỹ, nói với CBS rằng ông tin là Nga có liên quan trong vụ "Hội chứng Havana" tại Việt Nam.
"[Trước đây] Họ [Nga] thấy chúng ta ngày càng gần hơn với Cuba và họ muốn ngăn chặn chuyện này," ông Edgreen nói với CBS.
"Sau đó họ, vốn là một đồng minh chiến lược thân cận của Hà Nội, đã ra sức theo dõi và làm điều tương tự với phía Việt Nam bằng cách gây cản trở chuyến đi của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam."
"Tại sao? Bởi vì bà Harris đến Việt Nam để đặt nền tảng cho việc nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên tầm đối tác chiến lược toàn diện gần đây đã được công bố giữa hai nước," Trung tá Greg Edgreen nói trong video của chương trình 60 Minutes.
Xét về dòng thời gian, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia đầu tiên trong số 7 nước Việt Nam xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Cụ thể, Việt Nam đã xác lập mối quan hệ ngoại giao ở bậc cao nhất đối với Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Úc (2024).
Đơn vị tình báo quân sự Nga - 29155
"Hội chứng Havana" lần đầu tiên được các nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Havana (Cuba) công bố hồi năm 2016. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ ở Cuba
"Hội chứng Havana" xảy ra trước chuyến thăm của bà Kamala Harris đến Việt Nam là một trong những nội dung đáng chú ý trong cuộc điều tra phối hợp giữa CBS, The Insider và Der Spiegel kéo dài trong thời gian cả năm.
Cuộc điều tra cũng đưa ra các cáo buộc về thành viên của đơn vị tình báo quân sự Nga - 29155 - có thể đã nhắm đến các nhà ngoại giao Mỹ với "vũ khí năng lượng định hướng".
CBS nêu bằng chứng về những thành viên của đơn vị tình báo này đã được bố trí tại các thành phố trên khắp thế giới vào thời điểm những nhân viên Mỹ báo cáo xảy ra "Hội chứng Havana".
Đơn vị bí mật này đã tiến hành các chiến dịch ở nước ngoài và có liên quan đến những vụ việc khác, bao gồm vụ đầu độc cựu điệp viên của Nga Sergei Skripal ở Anh hồi năm 2018.
Cũng trong cuộc điều tra, trang The Insider tường thuật chuyện một sĩ quan thuộc đơn vị 29155 đã được trao thưởng vì công việc liên quan đến phát triển "vũ khí sóng âm phi sát thương".
Đáp trả lại thông tin từ cuộc điều tra này, người phát ngôn từ Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Chưa hề có ai từng đăng tải hoặc cung cấp bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào về những cáo buộc vô căn cứ này, ở bất cứ nơi nào. Tất cả chỉ là những cáo buộc vô căn cứ không hơn không kém."
John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời Donald Trump, nói những cáo buộc mới này "rất đáng quan ngại".
"Thành thực mà nói, tôi không nghĩ chính phủ, khi tôi còn làm việc ở đấy, đã xem xét đủ nghiêm túc," ông trả lời CNN. "Tôi không nghĩ họ đã xem xét đủ nghiêm túc từ đó đến nay."
'Hội chứng Havana' là gì?
Cuộc điều tra đưa ra các cáo buộc đối với thành viên của đơn vị tình báo quân sự 29155 của Nga
"Hội chứng Havana" là tên gọi của một loạt các sự cố sức khỏe bí ẩn được cho là xảy ra lần đầu tiên đối với các nhà ngoại giao và các nhân viên khác của chính phủ Mỹ ở thủ đô Havana của Cuba vào năm 2016.
Tên của hội chứng được lấy từ tên thủ đô Havana của Cuba - mặc dù một báo cáo mới cho thấy những trường hợp đầu tiên thậm chí có thể đã xảy ra ở Đức vào hai năm trước đó.
Nhân viên ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới đã báo cáo về "Hội chứng Havana" với các triệu chứng chưa thể giải thích, chẳng hạn chóng mặt.
Các trường hợp khác đã xảy ra trên khắp thế giới, từ Washington đến Trung Quốc.
Bản đánh giá "Những trường hợp y tế bất thường" do Mỹ công bố hồi năm ngoái đã không đưa ra lời giải thích khác, gây thất vọng đối với những người bị ảnh hưởng từ hội chứng bí ẩn này.
Hôm thứ Hai (1/4), Lầu Năm Góc cho biết một quan chức cấp cao trong khi tham dự các cuộc họp tại thượng đỉnh NATO hồi năm 2023 tại Lithuania đã chịu những triệu chứng tương tự như "Hội chứng Havana".
Các nhân viên từ Nhà Trắng, CIA và FBI đã lên tiếng về các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, khó tập trung và đau tai dữ dội.
Hơn 1.000 báo cáo về hội chứng bí ẩn đã được đưa ra, với hàng chục trường hợp được chính thức xem là không thể giải thích được. Giới lập pháp Mỹ đã thông qua luật hỗ trợ những nạn nhân liên quan đến hội chứng bí ẩn này.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) công bố hồi năm ngoái có nội dung rằng những bản chụp MRI đã không thể phát hiện các chấn thương não đối với hàng chục nhân viên của Mỹ, những người được báo cáo là đã trải qua các triệu chứng y khoa bất thường.
Hồi tháng 2/2022, báo cáo tình báo của Mỹ đã nêu khả năng những người chịu "Hội chứng Havana" đã bị tác động từ nguồn năng lượng định hướng hoặc các vi sóng từ những thiết bị giấu kín.
----------