Không có sự gia tăng nào’: Các nhà khoa học bác bỏ những tuyên bố biến đổi khí hậu về bão
Tác giả : Katie Spence
Biên dịch : Nguyễn Lê và Doanh Doanh
Nguồn: The Epoch Times Vn Ngày đăng: 2024-03-29
Một nhà khí tượng học cho biết các cơn bão giờ đây ‘ngày càng nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa,’ nhưng mùa khốc liệt được dự báo này sẽ trở thành một ‘trận bóng chính trị’ cho chủ nghĩa báo động về khí hậu.
(Ảnh: Minh họa của The Epoch Times, Getty Images, Shutterstock)
Mùa bão năm nay, chính thức bắt đầu từ ngày 01/06, được WeatherBELL dự báo là “mùa bão từ địa ngục,” với các kiểu thời tiết tương tự như các năm 2005, 2017, và 2020.
Cùng với dự báo này, nhà khí tượng học và nhà dự báo trưởng Joe Bastardi của công ty cho biết sẽ có trò chơi đổ lỗi cho biến đổi khí hậu mà ông gọi là một câu chuyện giả.
Năm 2005, bão Katrina tấn công Louisiana, khiến khoảng 1,833 người thiệt mạng và gây thiệt hại khoảng 161 tỷ USD. Năm 2017, bão Harvey tấn công Texas, bão Irma tấn công vùng Caribe, và bão Maria tấn công vùng Caribe và Puerto Rico, khiến ít nhất 3,364 người thiệt mạng và tổng thiệt hại lên tới hơn 294 tỷ USD.
Hồi năm 2020, sáu cơn bão lớn đã đổ bộ vào đất liền, khiến Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) gọi năm 2020 là “mùa bão hoạt động mạnh nhất trong lịch sử được ghi nhận.”
Sau mỗi mùa bão, các quan chức chính phủ, ủy ban, và các nhà khoa học đều nhanh chóng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu.
“Có lẽ không có ví dụ nào hay hơn về nguy cơ tàn phá của các tác động ấm lên toàn cầu so với Bờ biển vùng Vịnh và Bão Katrina,” Ủy ban Đặc biệt Hoa Kỳ về Độc lập Năng lượng và Sự ấm lên Toàn cầu tuyên bố sau cơn bão Katrina.
Mặc dù tác động của sự ấm lên do con người gây ra đối với cơn bão Katrina rất khó định lượng, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra một xu hướng của những cơn bão lớn hơn và mạnh hơn khi các đại dương trên toàn cầu đang ấm lên.
Sau cơn bão Irma, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres gọi mùa bão năm 2017 là “dữ dội nhất từng được ghi nhận.”
“Biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn, đẩy các cộng đồng vào một vòng luẩn quẩn giữa tình trạng chấn động và phục hồi,” ông nói.
Sau mùa bão năm 2020 kết thúc, ông Jim Kossin, một nhà khoa học nghiên cứu khí quyển tại Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia của NOAA, đã đổ lỗi cho “nhiệt độ đại dương ấm hơn mức trung bình” là nguyên nhân khiến cơn bão “hoạt động quá mức.”
Ông cho rằng sự gia tăng các cơn bão dữ dội hơn trong 40 năm qua có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Ông Bastardi cho biết ông mong đợi sẽ nghe được thông điệp tương tự trong năm nay nếu điều đó diễn ra như ông dự đoán.
“Nếu quý vị quanh quẩn bên những người liên tục nói ra những điều tiêu cực và điều đó tệ đến mức nào, hãy đoán xem quý vị sẽ tin điều gì? … Đó là một chiến lược tuyệt vời để thúc đẩy vấn đề này — nếu tôi muốn tranh luận về vấn đề CO2 [carbon dioxide], tôi sẽ làm chính những gì họ đang làm,” ông Bastardi nói với The Epoch Times.
“Nhưng không có sự gia tăng nào cả. Và kích cỡ của cơn bão ngày càng nhỏ hơn. Vấn đề còn lại là: các cơn bão nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa.”
Nhà hải dương học và chuyên gia khí tượng được chứng nhận Bob Cohen đồng tình với nhận định này.
Ông cho biết hiện đang có một sự chuyển đổi từ mô hình El Niño sang La Niña, “có liên quan đến hoạt động bão cao hơn bình thường.”
“Hiện tại, nhiệt độ dưới bề mặt mát hơn nhiều so với [nhiệt độ] thời kỳ El Niño,” ông nói với The Epoch Times. “Nhiệt độ gần sát bề mặt vẫn ấm hơn, nhưng vực nước sâu và vực nước ấm đã tiêu tán, và do đó, khi nổi lên bề mặt, nó sẽ trở thành La Niña,” ông Cohen cho biết.
Người dân đi bộ dọc bãi biển, nhìn nhà cửa bị hư hại do Bão Ian ở Bonita Springs, Florida vào ngày 29 /09/2022. (Ảnh: Sean Rayford/Getty Images)
Ông nói, ông cho rằng “chúng ta sẽ nghe thấy nhiều thông điệp gieo hoang mang sợ hãi hơn” nếu năm 2024 là mùa bão sôi động như dự báo.
Tuy nhiên, giống như ông Bastardi, ông Cohen cho biết các cơn bão không ngày càng lớn hơn hoặc dữ dội hơn. Ông nói rằng khi nhiệt độ ấm lên một cách tự nhiên sau Thời kỳ Tiểu Băng hà, các cơn bão và các hiện tượng thời tiết sẽ bớt dữ dội hơn — chứ không phải ngày càng nghiêm trọng hơn.
Vật lý cơ bản và nhiệt độ
Trái đất nỗ lực tồn tại ở trạng thái cân bằng; theo ông Cohen, Trái đất cố gắng cân bằng nhiệt độ giữa xích đạo và các cực, vốn có ảnh hưởng đến thời tiết.
“Khi quý vị nhìn vào bức tranh toàn cảnh từ độ cao 50,000 feet (15,240m), Trái đất là một động cơ nhiệt,” ông nói. “Các vùng nhiệt đới có nhiệt độ khá ổn định, còn các cực [Trái đất] mới có sự thay đổi lớn nhất.”
“Độ dốc tạo ra bão. … Nếu các cực [Trái đất] ấm lên, độ dốc nhiệt độ sẽ giảm, điều đó có nghĩa là nhu cầu về những cơn bão dữ dội hơn từ Mẹ Thiên Nhiên sẽ ít hơn. Đó là vật lý cơ bản.”
Ông Bastardi đồng ý với ý kiến này.
“Hãy nhìn Ida đấu với Betsy,” ông nói. “Gió cấp bão của Betsy kéo dài 150 dặm về phía tây và 250 dặm về phía đông. Gió cấp bão của Ida kéo dài 50 dặm về phía tây và 75 dặm về phía đông. Cả hai đều thuộc loại cấp 4. Cả hai đều có áp lực tương tự nhau. Cơn bão nào nghiêm trọng nhất? Chính là cơn bão lớn hơn. Nhưng người ta không nói với quý vị điều đó.”
Phân tích bão của NOAA cho thấy cơn bão Betsy đổ bộ vào Florida và Louisiana vào năm 1965 với áp suất trung tâm là 946 milibar và tốc độ gió tối đa là 132 dặm một giờ. Bão Ida tấn công Louisiana vào năm 2021 với áp suất trung tâm là 931 mb và tốc độ gió tối đa là 149 dặm một giờ.
Tuy nhiên, dữ liệu của NOAA không bao gồm quy mô tổng thể của một cơn bão.
Dữ liệu của NOAA về tác động của cơn bão trên lục địa Hoa Kỳ từ năm 1851 đến năm 2022.
Chú thích: Trục tung bên trái và đường màu xanh — Áp suất trung tâm trung bình của tất cả các cơn bão (mb), Trục tung bên phải và đường màu vàng — Sức gió tối đa trung bình của tất cả các cơn bão (mph). (Ảnh: The Epoch Times)
“Bão bây giờ giống như những nắm lông xù hơn là những chiếc máy ủi khổng lồ lao vào và cày xới bờ biển,” ông Bastardi nói. “Nhưng [NOAA] sẽ không cho thấy bức tranh toàn cảnh này. Bởi vì nếu họ làm vậy, mọi người sẽ nói, ‘Cái quái gì vậy!’”
Ông cho biết lý do khiến các cơn bão hiện nay gây thiệt hại nhiều hơn là do cơ sở hạ tầng dọc theo bờ biển ngày càng phát triển chứ không phải do mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.
Dữ liệu của NOAA về bão trong lịch sử kể từ năm 1851 chứng minh tiền đề rằng các cơn bão sẽ không trở nên nghiêm trọng hơn.
Dữ liệu đó bổ sung thêm một dự báo vào cơ sở dữ liệu cơ quan này rằng “do sự thưa thớt của các thị trấn và thành phố trước năm 1900,” nên các cơn bão có thể không được ghi nhận hoặc cường độ của bão bị đánh giá thấp.
Xét về mặt áp suất trung tâm, dữ liệu của NOAA cũng cho thấy các cơn bão đang trở nên ít nghiêm trọng hơn.
Ngay cả khi có thể thiếu dữ liệu, dữ liệu của NOAA cho thấy mức giảm áp suất trung tâm trung bình là 0.00013mb mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 1851 đến năm 2022 (chưa bao gồm dữ liệu năm 2023), và gió tối đa có mức tăng trung bình biên là 0.00011 mph mỗi năm trong cùng thời điểm.
Bão Florence mạnh lên ở Đại Tây Dương khi di chuyển về phía tây, nhìn từ Trạm Không gian Quốc tế vào ngày 10/09/2018. (Ảnh: NASA qua Getty Images)
Cơ quan này sử dụng thang đo Saffir-Simpson để phân loại các cơn bão từ 1 đến 5 dựa trên tốc độ gió duy trì tối đa.
Sợ hãi trước hiện thực
Ông Cohen cho biết, các cơ quan chính phủ, chẳng hạn như NOAA, thường đưa ra tuyên bố đáng báo động về mức độ nghiêm trọng của thời tiết ngày càng gia tăng, nhưng ngoài các tiêu đề, dữ liệu còn cho thấy một câu chuyện khác.
Chẳng hạn như trong tờ thông tin Trạng thái Khoa học năm 2023 có tiêu đề “Bão Đại Tây Dương và Biến đổi Khí hậu,” NOAA đặt câu hỏi: “Biến đổi khí hậu do con người gây ra có bất kỳ ảnh hưởng nào có thể phát hiện được đối với các cơn bão và tác động của bão không?”“Chúng ta mong đợi những thay đổi gì trong tương lai khi trái đất tiếp tục ấm lên?”
Họ tự trả lời bằng cách tuyên bố rằng “Một vài số liệu về hoạt động của bão Đại Tây Dương cho thấy sự gia tăng rõ rệt kể từ năm 1980.”
Một vài đoạn văn sau đó, NOAA tuyên bố rằng nếu xem xét dữ liệu từ những năm 1900 đến nay, thì “Không có xu hướng đáng kể nào về số lượng bão nhiệt đới, bão cuồng phong, hoặc bão cuồng phong lớn đổ bộ vào Hoa Kỳ hàng năm.”
Thay vào đó, có “xu hướng giảm dần kể từ năm 1900 về tốc độ lan truyền của các cơn bão nhiệt đới và bão cuồng phong trên lục địa Hoa Kỳ.”
Ông Cohen cho rằng phương pháp của NOAA có vấn đề. Những tuyên bố ban đầu của cơ quan này là “đáng sợ” và sau đó “họ coi thường những tuyên bố tương tự thế này.”
Ông nói: “Thật khó hiểu vì cơ quan này qua lại giữa việc đổ lỗi cho biến đổi khí hậu và đổ lỗi cho sự biến đổi tự nhiên.”
Ông Cohen cho biết, việc phụ thuộc vào mô hình khí hậu thay vì quan sát thực tế là một trong những vấn đề trong các báo cáo của chính phủ.
Trung tâm Bão Quốc gia đã công bố dự báo về đường đi của Bão nhiệt đới Idalia hôm 28/08/2023, cho thấy cơn bão đang hình thành bão lớn cấp 3 trước khi đổ bộ vào một nơi nào đó dọc theo Bờ biển Vịnh Florida. (Ảnh: NOAA/NHC)
Trong tờ thông tin của mình, NOAA cho biết họ chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng về “sự thay đổi do khí nhà kính gây ra trong hành vi bão Đại Tây Dương được quan sát trong lịch sử.”
“Vì chưa thiết lập được sự phân bổ có độ tin cậy cao cho các cơn bão Đại Tây Dương nên các dự báo trong tương lai chủ yếu chỉ dựa vào các mô hình khí hậu.”
Ông Cohen cho biết những quan sát thực tế không phù hợp với các mô hình này.
“Một số người sẽ nói, ‘Chà, nếu các quan sát không giống nhau thì các quan sát đó là không đúng.’ Tuy nhiên thực tế thì ngược lại. Những mô hình đó bị sai,” ông nói.
Ông Bastardi đồng tình và nói thêm rằng phần lớn những gì được trình bày trước công chúng là tuyên truyền, chứ không phải khoa học, nhằm tạo thuận tiện cho một kết quả cụ thể.
“Nghị trình về khí hậu là dấu chấm hết cho tự do. Chúng ta thịnh vượng hơn, chúng ta có dân số đông gấp năm lần, và số lượng thảm họa khí hậu chỉ bằng 1/50 so với những năm 1900,” ông nói.
“Nhưng chúng ta chịu cảnh tẩy não hàng loạt đang diễn ra, và tất cả chỉ là những điều ngày càng vô nghĩa — những điều rất, rất nhỏ được khuếch đại để khiến mọi người nghĩ rằng mọi thứ thực sự tồi tệ.”
Ông Philippe Papin, chuyên gia về bão tại Trung tâm Bão Quốc gia, theo dõi thời tiết bất ổn ở phía đông Vịnh Mexico ở Miami vào ngày 31/05/2023 . (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images)
Tác động của CO2
Khi được hỏi liệu CO2 do con người gây ra có ảnh hưởng đến bão hay không, ông Bastardi nhanh chóng nói “không.”
Ông Cohen đồng ý. “Khí nhà kính không làm ấm đại dương, ngoại trừ lớp nước dày cở vài milimét (mm) trên bề mặt . Sự ấm lên ở chiều sâu phía dưới là do mặt trời gây ra. Lý thuyết về khí nhà kính,(mà đó là hiệu ứng thôi), là khí này thay đổi bức xạ của ánh sáng mặt trời qua một độ dài sóng kém hơn chỉ có khả năng xuyên vào lớp nước mỏng dày khoảng vài mm phía trên bề mặt biển thôi. Vì vậy, quý vị sẽ không có những thay đổi nhiệt lượng trong đại dương tạo nên bởi khí nhà kính,” ông nói.
“Quý vị không có những thay đổi nhiệt lượng trong đại dương là nhớ vào khí nhà kính vì nó là lớp "cách nhiệt mặt trời". Ánh nắng trực tiếp  có độ dài sóng xuyên sâu dưới nước biển để hâm nóng nó. Do đó, những thay đổi tăng cao nhiệt lượng không phải do khí nhà kính gây ra.”
Ông Bastardi đồng ý và cho biết vẫn còn rất nhiều điều chưa biết khi nói đến khí hậu và nguyên nhân gây ra sự ấm lên hoặc lạnh đi, đặc biệt là ở các đại dương.
“Thật đáng tiếc là chúng ta không biết chuyện gì đang xảy ra ở các đại dương,” ông nói. “Chúng tôi có một điểm dữ liệu cho mỗi 112,000 dặm vuông. Cơ quan này chẳng làm được gì ngoại trừ ước tính một cách mơ hồ những gì đang diễn ra.”
Giàn khoan Discoverer Enterprise tiếp tục nỗ lực thu hồi dầu từ khu vực tràn dầu Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico ngoài khơi bờ biển Louisiana vào ngày 03/07/2010. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images)
Ông cho biết sự gia tăng hoạt động địa nhiệt ở các đại dương kể từ năm 1990 đã làm các đại dương ấm lên. Nhưng ông cũng đang nhận thấy sự hạ nhiệt được dự đoán.
“Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là dự báo Ấn Độ Dương sẽ lạnh đến mức nào trong 6 tháng tới. Ý tôi là, tôi chưa bao giờ thấy dự báo giảm như thế này,” ông nói.
Trong quá trình thay đổi sắp tới chuyển sang mô hình La Niña, nước dâng lên trong các đại dương mang nước lạnh, dồi dào dinh dưỡng lên bề mặt, đẩy dòng hải lưu Thái Bình Dương về phía bắc. Theo NOAA, điều đó có thể dẫn đến hạn hán ở miền Nam Hoa Kỳ, mưa và lũ lụt gia tăng ở Canada và Tây Bắc Thái Bình Dương, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra bão.
“Sự ấm lên của đại dương là một vấn đề hệ trọng,” ông Bastardi nói. “Nhưng có thể có một sự đảo ngược đang diễn ra. Thuận theo hiện tượng La Niña, hành tinh đang ấm lên. Và hành tinh đang ấm lên theo cách tạo ra gió đông mạnh hơn mức trung bình trên khắp Thái Bình Dương, nghĩa là mực nước dâng lên và khi nước dâng lên đồng nghĩa với việc nước sẽ mát hơn.
Tất cả những gì La Niña khởi tác dụng là chống lại sự ấm lên đang diễn ra. Và trừ phi có sự ngừng hoạt động của bất kỳ nguồn đầu vào nào — nếu quý vị là người tạo ra CO2, quý vị nghĩ đó là do con người tạo ra, và nếu quý vị là tôi, quý vị tin rằng đó là điều tự nhiên — cho đến khi việc ngừng hoạt động đó xảy ra, các đại dương sẽ tiếp tục ấm lên.
Bây giờ, đây là một bí mật bẩn thỉu: Chúng tôi không có dữ liệu để biết chính xác chuyện gì đang xảy ra.
Dòng nước ấm lên trong giai đoạn El Nino làm nhiệt độ tăng lên; chu trình ngược lại gọi là La Nina làm nhiệt độ giảm xuống. (Ảnh: NOAA)
Ảnh trên: Giai đoạn El Niño ấm lên, Mũi tên màu đỏ — chuyển động của dòng nước ấm. Ảnh dưới: Giai đoạn La Niña làm mát, Mũi tên màu đỏ — chuyển động của dòng nước ấm, Mũi tên màu xanh — dòng tín phong
Ông Bastardi dự đoán mùa bão này “sẽ trở thành một trận bóng chính trị thực sự” về câu chuyện biến đổi khí hậu.
Ông Cohen nói thêm, “quý vị chưa bao giờ thấy mô hình này hỏi: ‘Đối với con người, nhiệt độ tối ưu là bao nhiêu?
Số người tử vong vì lạnh nhiều hơn chín lần do nóng gây ra. Sản lượng ở châu Phi hiện nay nhờ vào CO2 rất lớn, nuôi sống hàng triệu người. Rất nhiều bài báo, đặc biệt là trên các hãng truyền thông lớn, được viết ra để hù dọa mọi người. Và điều đó dẫn đến việc công chúng nghĩ rằng chúng ta đang rơi vào một tình huống tồi tệ. Và đó không phải như vậy.
Thời tiết ấm hơn thì tốt hơn.
Nguyễn LêDoanh Doanh biên dịch
----------