Cơ chế cảm ơn-cây đũa thần trong “Chuyến bay giải cứu”
Tác giả : Thiên Hành Nguồn: Đài Á Châu Tự Do Ngày đăng: 2023-07-29


Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng ra tòa ở Hà Nội trong vụ án "chuyến bay giải cứu" ngày 11/7/2023 (minh họa)
Cụm từ này lưu hành từ lâu, chủ yếu trong nội bộ quan trường và giới doanh nghiệp, nhưng phơi bày hoàn toàn ra trước công chúng, trong một phiên tòa công khai thì có lẽ đây là lần đầu.
Theo lời khai của một bị cáo là doanh nhân trong phiên tòa Chuyến bay giải cứu, khi doanh nghiệp tuyệt vọng vì đã nộp đủ giấy tờ, được ¾ Bộ đồng ý nhưng hai ngày trước khi bay vẫn không được chấp thuận, tổ chức chuyến bay (đưa công dân Việt Nam về nước), thì được một cựu cán bộ Cục quản lý Xuất nhập cảnh nhắc nhở: Phải làm theo CƠ CHẾ CẢM ƠN.
Vì đó là bản chất
Tức mang tiền tới “chủ động áp sát, nài ép” mấy anh mấy chị nhận. Trước đó ở nhà đã phải thắp nhang van vái ông bà tổ tiên khiến cho mấy anh mấy chị “không cưỡng được cám dỗ”, “chỉ nghĩ là tiền cảm ơn”, mà nhận giùm. Chịu nhận tiền thì 90% sẽ chịu ký duyệt, cho phép. Từ đó doanh nghiệp mới được kinh doanh, người dân mới có thể hoàn tất các thủ tục hành chính cần thiết.
Nói tóm tắt, nó là quá trình cá nhân hóa quyền lực của nhà nước, biến quan hệ phục vụ hoặc dịch vụ của Nhà nước với người dân và doanh nghiệp trở thành quan hệ ban bố, xin cho giữa một số người được trao quyền với phần còn lại của xã hội, đổi lấy tiền bạc và lợi ích cho cá nhân mình.
Cơ chế là một thuật ngữ, chỉ quy luật vận hành của một hệ thống, sự tương tác giữa các yếu tố với nhau và nhờ vào việc tương tác đó mà hệ thống này hoạt động.
Rất thú vị khi khái niệm chính thống này được dùng để đặt tên một nguyên tắc ngầm, góp phần chính thức hóa nó, thậm chí đem nó lên bàn cân để so sánh với các cơ chế phổ biến khác, như cơ chế pháp trị chẳng hạn.
Thú vị còn vì tuy mỉa mai nhưng chính là cách làm công bằng. Vì ở Việt Nam, “cơ chế cảm ơn” chính là bản chất của mối quan hệ giữa các đại diện Nhà nước với người dân. Nó cũng gọi tên chính xác động lực trọng yếu chi phối cách vận hành hoạt động của chính quyền lâu nay, bất chấp những nghị quyết chống tham nhũng, bất chấp các đợt vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng. Thậm chí bất chấp cả cái lò cháy rừng rực suốt hai ba năm nay của cụ Trọng.
Được xướng lên giữa phiên tòa đại án, nó chẳng khác gì cú đạp thẳng vào thể diện và các cố gắng được mô tả là kỳ vĩ của “Người đốt lò vĩ đại”.
Cho đến nay, cơ quan điều tra đã chứng minh tội trạng trong vụ án này và sẽ tiến đến bắt tù những quan chức cấp cao phạm tội. Đó là những nỗ lực dũng cảm, được đánh giá hết sức cao, ban đầu đã mang lại sự hả dạ hết sức cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhưng xét về bản chất, đó mới chỉ là hành động vớt sâu trong nồi canh. Thôi thì nồi canh này đem đổ. Nhưng nếu sâu vẫn lúc nhúc trong vườn rau thì sớm muộn gì các nồi canh khác cũng lại sâu nhung nhúc.
Do vậy cốt tủy phải là bao lưới rào kín vườn và thả thiên địch, để bất cứ con sâu nào mon men chớm nở đều bị phát hiện và diệt gọn.
“Không cho nó đẻ trứng”, như slogan sắc bén tuyệt vời của dân gian.
Chao ôi, mơ ước đó chỉ là ước mơ hão.
Đừng thấy đỏ tưởng là chín nhé bà con
Vì nếu tuyệt đối cấm được hối lộ, diệt trừ cơ chế cảm ơn thì cán bộ sống bằng gì?
Thu nhập chính thức quá thấp, nhưng quyền lực quá lớn. Hệ thống kiểm soát cồng kềnh nhưng bản chất là nhà táng giấy. Thì xã hội tất yếu sẽ hình thành lớp đệm xám - dùng quyền đẻ ra tiền - giữa hai cực để lập lại thế cân bằng tự nhiên.
Do vậy, sự tha hóa là tất yếu. Thậm chí chính Nhà nước ấn các điều kiện để dễ dàng tha hóa vào tay các cá nhân được trao quyền lực.
Một tuần nay dân Việt Nam chứng kiến sự tha hóa của cả một tập thể các cán bộ lãnh đạo cao cấp tại nhiều cơ quan Nhà nước trọng yếu. Những thái độ, những câu nói trơ trẽn tột độ của họ, đối lập gay gắt với chức vụ rất cao mà họ đang giữ khiến những người dân thường chúng ta hết trồi từ sự ngạc nhiên này lại sụt xuống sự sững sờ khác. Nhưng chỉ chúng ta sững sờ thôi. Giữa họ, các quan chức sống và làm việc theo “cơ chế cảm ơn” thì “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” chỉ là chuyện thường ngày. Hơn thế, nó chính là nguyên tắc sống còn và thăng chức.
Không thể có cơ chế giám sát thực sự trong chế độ chỉ có một đảng duy nhất nắm quyền lãnh đạo đất nước. Chẳng có cơ thể nào dùng tay trái chặt đứt tay phải cả. Vì thế, bà con cũng đừng thấy đỏ tưởng là chín. Hết đại án chuyến bay giải cứu sẽ đến đại án xe bò giải trí, xe tăng giải hạn, xe lửa giải hạn… Và do là sự bù đắp tự nhiên cho lỗi sinh tử của cơ chế nên càng về sau nó sẽ càng công nhiên, chặt chẽ, quy mô lớn hơn, dính líu tới các tầng cấp sâu xa hơn nữa.
________________
Tham khảo:
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
----------