Chủ tịch Trung Quốc đến Serbia thắt chặt "tình hữu nghị bền vững"
Tác giả : Thu Hằng Nguồn: RFI Ngày đăng: 2024-05-08
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được chào đón nồng nhiệt tại Beograd như “ một người bạn của Serbia ”. Ngày 08/05/2024, tổng thống Aleksandar Vucic tái khẳng định ủng hộ “ chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan ”. Phía Trung Quốc muốn thắt chặt mối quan hệ kinh tế và chính trị với quốc gia “ bạn hữu ”, cửa ngõ vào châu Âu.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (P) duyệt đội quân danh dự cùng cùng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Beograd, Serbia, ngày 08/05/2024. REUTERS - Zorana Jevtic
Trả lời đài truyền hình Nhà nước RTS ngày 07/05, bộ trưởng Tài Chính Serbia Sinisa Mali cho biết lãnh đạo hai nước thảo luận về “ một dự án lớn ”, bởi vì Serbia “ muốn thu hút một khoản đầu tư lớn của Trung Quốc trong một lĩnh vực đầy hứa hẹn ”, nhưng không cho biết chi tiết.
Theo AFP, Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỉ euro vào Serbia và nhiều nước vùng Balkan, đặc biệt trong các lĩnh vực khai thác mỏ và gia công. Năm 2023, Bắc Kinh và Beograd ký một thỏa thuận tự do trao đổi thương mại. Thỏa thuận sẽ hết hiệu lực khi Serbia gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Ngay khi đến Beograd, chủ tịch Tập Cận Bình đã khánh thành Trung tâm Khổng Tử được xây trên nền đại sứ quán Trung Quốc bị máy bay NATO oanh kích cách đây đúng 25 năm. Tại buổi lễ, ông nhấn mạnh “ dân tộc Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, nhưng sẽ không bao giờ cho phép thảm kịch lịch sử tái diễn ”.
Thông tín viên RFI Jean-Arnaud Dérens tại Beograd cho biết thêm :
“ Thời điểm của chuyến công du chính thức không phải được chọn ngẫu nhiên. Cách đây đúng 25 năm, vào ngày 07/05/1999, một máy bay của NATO oanh kích đại sứ quán Trung Quốc ở Beograd, khiến 3 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Dù là “ do sai lầm ” hay cố tình oanh kích, thảm kịch này vẫn là một chấn thương lớn đối với Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình khánh thành Trung tâm Khổng Tử rộng lớn được xây dựng ngay trên nền đại sứ quán cũ.
Ngoài ý nghĩa biểu tượng, Serbia còn giữ một vị trí trọng tâm trong chiến lược của Trung Quốc thâm nhập thị trường châu Âu. Sau khi đã nắm giữ các nhà máy thép ở Smederevo và các mỏ đồng ở Bor, Bắc Kinh hiện là đối tác kinh tế lớn thứ hai của Serbia, chỉ đứng sau Đức.
Hơn nữa, hai nước không chỉ “ tâm đầu ý hợp ” trong lĩnh vực kinh tế. Về vấn đề không công nhận Kosovo, chính quyền Beograd có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Bắc Kinh tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, còn tổng thống Vucic vẫn nhắc lại điều mà Bắc Kinh muốn nghe, đó là Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
Chưa bao giờ hình ảnh Trung Quốc lại tốt đẹp như vậy trong công luận Serbia, còn hơn cả hình ảnh của Nga ”.
Theo AFP, phát biểu khi tiếp chủ tịch Tập Cận Bình, tổng thống Serbia đã tuyên bố ủng hộ quan điểm Đài Loan là thuộc chủ quyền của Trung Quốc
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. . Cám ơn