Tròn 6 tháng chiến tranh Gaza: Quân đội Israel quyết định rút phần lớn lực lượng khỏi miền nam
Tác giả : Trọng Thành Nguồn: RFI Ngày đăng: 2024-04-07
Hôm nay, 07/04/2024, là tròn 6 tháng cuộc chiến tranh tại Gaza, do Israel phát động để trả đũa cho vụ thảm sát ngày 07/10/2023 của tổ chức Hamas trên đất Israel, khiến hơn 1.170 người chết. Cuộc chiến tại Gaza của chính quyền Benjamin Netanyahu đã khiến hơn 33.000 người thiệt mạng, theo Hamas, khiến Israel ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế.
Biểu tình gần Quốc Hội Israel, Jerusalem, ngày 07/04/2024, kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Gaza và trả tự do cho tất cả các con tin. REUTERS - Ronen Zvulun
Theo Reuters, Quân đội Israel hôm nay thông báo rút một phần lớn bộ binh khỏi miền nam Gaza, ngoại trừ một lữ đoàn, với quân số vài nghìn binh sĩ. Thông báo được Quân đội Israel đưa ra vào lúc các bên bắt đầu nối lại đàm phán ngừng bắn ở Gaza đổi lại việc trao trả các con tin, bị bắt cóc trong vụ thảm sát 07/10/2023.
Cho đến trước quyết định này, chính phủ Israel thường xuyên khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến trên bộ nhắm vào thành phố Rafah, được coi là căn cứ địa cuối cùng của tổ chức Hamas tại vùng đất này, nơi tị nạn của hơn một triệu người Palestine. Chính quyền Mỹ từ chỗ ủng hộ vô điều kiện cuộc chiến chống Hamas của Israel tại Gaza, đã yêu cầu quân đội Israel không được tấn công Rafah, và coi đây là "lằn ranh đỏ”.
Về thay đổi trong chính sách của Mỹ với Israel, thông tín viên Carrie Nooten từ New York giải thích:
Vào thời điểm đầu tháng 10/2023, tổng thống Joe Biden không phải là người ủng hộ nhiệt thành thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, nhưng chính quyền Mỹ vừa mới hàn gắn quan hệ với Israel hai tuần trước đó,trong bối cảnh Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thiết lập quan hệ ngoại giao. Hệ quả là, trên thực địa, Mỹ đã cung cấp vũ khí cho Israel và tại Liên Hiệp Quốc, Washington phủ quyết các nghị quyết kêu gọi Israel kiềm chế ở Gaza. Tiếp theo đó trong vòng nhiều tháng, Washington đã khoan dung cho những hành động khinh thường của Israel, khi coi các đàm phán để thả con tin là cần được ưu tiên hơn so với diễn biến tại Gaza.
Tuy nhiên, mỗi chuyến công du của ngoại trưởng Antony Blinken tới khu vực này đều dẫn đến sự leo thang trắng trợn của chính phủ Netanyahu.Và khi tổng thống Joe Biden ra lệnh cấm oanh kích thành phố Rafah, miền nam Gaza, và coi đây như “lằn ranh đỏ”, ông đã bị thủ tướng Israel thách thức công khai.
Bực tức, nhưng cũng vì bị áp lực bởi một bộ phận ngày càng bất mãn trong phe Dân Chủ, tổng thống Mỹ đã không ngăn chặn nghị quyết của Hội Đồng Bảo An kêu gọi ngừng bắn tại Gaza trong tháng Ramadan. Tiếp theo đó là một thay đổi trong tuần này, sau vụ oanh kích “lầm” của quân đội Israel khiến 7 nhân viên một tổ chức nhân đạo thiệt mạng : Tổng thống Mỹ đã gọi điện cho thủ tướng Netanyahu để cảnh báo Washington sẽ xem xét lại việc hỗ trợ cho Israel, nếu không có thêm viện trợ nhân đạo thực sự cho người dân Gaza. Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng nhất trong 6 tháng nay của Mỹ với Israel, tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra dè dặt. Theo họ, đây chưa thực sự là một thay đổi lớn trong chính sách của Washington đối với Israel.”
''Tạm nghỉ'' trước cuộc tấn công Rafah hay rút quân do ''áp lực'' Mỹ ?
Cùng lúc với quyết định rút quân khỏi miền nam Gaza, thủ tướng Israel tuyên bố thắng lợi trong cuộc chiến chống Hamas “đã nằm trong tầm tay”. Theo báo Anh Sky News, phát ngôn viên của chính phủ Israel, Avi Hyman, khẳng định việc rút quân khỏi miền nam không đồng nghĩa với việc “từ bỏ” chiến dịch trên bộ nhắm vào thành phố Rafah. Avi Hyman nhấn mạnh “nếu không tấn công Rafah, chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến này”.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng cho rằng việc rút quân này rất có thể chỉ là một giai đoạn “tạm nghỉ” sau nhiều tháng chiến dịch. Ngược lại, với Omer Dostri, chuyên gia của Jerusalem Institute for Strategy and Security (JISS), quyết định rút quân nói trên chủ yếu là do “áp lực lớn” từ Washington mới đây.
“Còn hơn cả thảm họa”
Nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc, và các tổ chức nhân đạo hôm nay, khẳng định tình hình tại chỗ ở Gaza còn “hơn cả thảm họa” sau 6 tháng chiến tranh. Trên mạng X, bà Catherine Russel, phụ trách Unicef, tố cáo : “nhà cửa, trường học, bệnh viện hoang tàn. Giáo viên, bác sĩ, nhà hoạt động nhân đạo bị giết hại”. Hơn 13.000 trẻ em bị giết kể từ tháng 10/2023.
Cả triệu người “sắp chết đói” là cảnh báo của Jagan Chapagain, tổng giám đốc của Liên đoàn quốc tế Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ. Theo lãnh đạo Văn phòng các Hoạt động Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (Ocha), Martin Griffiths, cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Palestine là “tội ác chống nhân loại”.
----------