Tin tức mà truyền thông Việt Nam không muốn, hay không được phép loan tải
Tác giả : Thục Quyên Nguồn: Tiếng Dân Ngày đăng: 2024-01-26
Cuộc viếng thăm của Tổng thống Đức Steinmeier
Cuộc viếng thăm của Tổng thống Đức Steinmeier ngày 23 và 24-1-2024 đã được truyền thông Việt Nam đồng loạt hân hoan đưa tin kết quả mỹ mãn, tuy nhiên có những nhắn nhủ quan trọng của ông đã bị bỏ quên, không được thuật lại.
Thí dụ như trong bài nói chuyện tại Đại học Việt Đức (Bình Dương), Tổng thống Steinmeier nhắc đến nhiều chủ đề mà ông cho biết, rằng đó là các chủ đề đóng vai trò quan trọng trong cuộc thảo luận ngày hôm trước của ông ở Hà Nội với giới lãnh đạo chính trị Việt Nam (1). Xin trích dịch vài đoạn sau đây:
“Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong cộng đồng ASEAN. Việt Nam cũng rất tích cực tại Liên Hiệp quốc và có cam kết rõ ràng với chủ nghĩa đa phương cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Nước Đức chúng tôi ủng hộ những cam kết quốc tế này của Việt Nam.
Chúng tôi chờ đợi thấy việc Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc từ năm 2023 đến năm 2025, là một cam kết đối với sự phát triển của xã hội dân sự và tuân thủ nhân quyền.
Lẽ dĩ nhiên hệ thống chính trị và xã hội của chúng ta không giống nhau, và ngoài những gì kết nối Việt Nam với Đức, còn có một số điều khác biệt cản trở sự hợp tác của chúng ta hoặc gây nhiều lo ngại cho chúng ta, thí dụ như liên quan đến vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận
Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, chúng ta có nhiều mối quan tâm giống nhau: Hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như trong việc chuyển đổi từ một quốc gia nông nghiệp sang một quốc gia công nghiệp, hỗ trợ tái cơ cấu sinh thái nguồn cung năng lượng của Việt Nam. Ngoài quan hệ đối tác quốc tế Chuyển đổi năng lượng công bằng JETP, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ song phương Việt Nam trong việc giải quyết nhiệm vụ khó khăn này…”
Chuyển đổi năng lượng công bằng JETP và 15,5 tỷ USD hỗ trợ
Vấn đề JETP Chuyển đổi năng lượng công bằng mà Tổng thống Steinmeimer nhắc tới, chính là đề tài quan trọng cho Việt Nam trong Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quốc tế COP28 ở Dubai, từ ngày 30-11 đến ngày 13-12-2023, với khoảng 85.000 người tham gia, trong đó có hơn 150 nguyên thủ quốc gia và chính phủ, cùng các nhóm xã hội dân sự, doanh nghiệp, dân bản địa, thanh niên, các tổ chức từ thiện và các tổ chức quốc tế.
Trong một cuộc họp bên lề Hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã công bố kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnerships JETP ) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (International Partners Group) (2).
Ông Chính tuyên bố, Việt Nam đã lập kế hoạch với các chính phủ và các đối tác cho vay thuộc G7, về cách sử dụng khoản tiền đã được thống nhất để cắt giảm việc sử dụng than.
Theo thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái với các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là từ các thành viên G7, Việt Nam sẽ nhận được 15,5 tỷ USD, phần lớn là các khoản vay thương mại theo lãi suất thị trường, trong vòng 3 đến 5 năm, để tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá.
Năm 2020, than chiếm 31% công suất ở Việt Nam; kế hoạch của Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ đó xuống còn 20% vào năm 2030.
Theo tin từ truyền thông Việt Nam, đứng đầu là “Báo Điện tử chính phủ(3) lãnh đạo cấp cao các nước thành viên IPG đánh giá cao việc Việt Nam ban hành Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt nhấn mạnh Kế hoạch do Việt Nam xây dựng và làm chủ, phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tuyên bố chung của Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) do Vương quốc Anh và EU đồng lãnh đạo, gồm Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Na Uy và Hoa Kỳ, bên cạnh lời hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch của Việt Nam như truyền thông Việt Nam đăng tải, IPG còn khẳng định (4):
Xã hội dân sự cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và chấp nhận các biện pháp, cũng như các tác động liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng. Như đã nêu trong Tuyên bố Chính trị, điều quan trọng là xã hội dân sự phải được tích cực tham gia một cách minh bạch ở tất cả các giai đoạn của JETP, để bảo đảm quá trình chuyển đổi cần thiết sẽ diễn ra công bằng và toàn diện“.
Thủ tướng Đức còn nhấn mạnh: Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính phủ, xã hội dân sự và lĩnh vực tư nhân để bảo đảm một quy trình minh bạch và công bằng nhằm đạt được các mục tiêu chung của chúng ta.
Việt Nam thích ứng ra sao với lời đòi hỏi của IPG về sự tích cực tham gia của các nhóm xã hội dân sự?
Thủ tướng Phạm minh Chính phải đối diện với các tổ chức xã hội dân sự tham gia các sự kiện tại COP28 bao gồm: 350.org, Global Witness, International Rivers và CEED International. Các tổ chức này đã đồng loạt lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho những người bảo vệ khí hậu đang bị cầm tù ở Việt Nam.
LS Đặng Đình Bách, nhà hoạt động môi trường đang lãnh án năm năm tù tại một phiên tòa diễn ra hồi tháng 8-2022. Nguồn: VOA
Trong thông cáo báo chí chung, Liên minh bảo vệ khí hậu viết (5): “Có một xu hướng đáng lo ngại liên quan đến việc hình sự hóa những người bảo vệ khí hậu trên khắp thế giới, đòi hỏi những người này phải được sự hỗ trợ tối đa của phong trào bảo vệ khí hậu. Bà Hoàng Thị Minh Hồng và LS Đặng Đình Bách là hai trong số những nhà hoạt động khí hậu nổi tiếng của Việt Nam hiện đang thụ án ở Việt Nam. Bà Hồng, cựu thành viên 350.org, chính thức bị kết án ba năm tù vì tội trốn thuế vào ngày 28-9-2023. Hôm nay, tại COP28, Việt Nam được đề cử cho giải thưởng “Ngày Hóa thạch” của Mạng lưới Hành động Khí hậu (CAN International) do vấn đề giam giữ tùy tiện các nhà hoạt động môi trường đang diễn ra”.
“Các thỏa thuận như JETP không thể được xem xét khi những người đấu tranh hết mình để bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước của họ lại bị bỏ tù. Chúng tôi kêu gọi trả tự do khẩn cấp cho bà Hồng và những người bảo vệ môi trường đang đấu tranh cho một hành tinh có thể sống được”.
“Trên khắp thế giới, không gian dân sự đang bị thu hẹp lại. Việc mọi người công khai chỉ trích chính sách của chính phủ, phản đối hoặc vận động hành lang cho công lý khí hậu, ngày càng mang nhiều rủi ro. Vì lên tiếng, nhiều người bị bức hại hoặc thậm chí bị bỏ tù. Kết quả cuối cùng của việc này là ở nhiều nơi, chúng ta không có sự tham gia dân chủ vào việc xây dựng những chính sách có ích lợi; chúng ta cũng không có sức mạnh của tiếng nói tập thể buộc những người ra quyết định phải chịu trách nhiệm, điều mà chúng ta vô cùng cần trong cuộc đấu tranh vì công lý khí hậu.
Chúng tôi đoàn kết với các đồng nghiệp Việt Nam trong việc kêu gọi chuyển đổi công bằng, đầy đủ và nhanh chóng sang năng lượng tái tạo, bảo vệ nhân quyền và cung cấp tài nguyên cho các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu như Việt Nam”.
Cũng nhân hội nghị COP28, để đánh dấu tình trạng những người bảo vệ môi trường ở Việt Nam bị giam giữ tùy tiện, làm nổi bật khoảng cách giữa các cam kết của chính phủ và hành động thực tế, Mạng lưới Hành động Khí hậu (Clim ate Action Network International, CAN) đã chọn ngày 9-12-2023 để trao giải châm biếm “Hoá thạch của ngày” (6) cho Việt Nam, đáp lại bài công bố Kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Hiện tượng thông tin nửa vời của truyền thông Việt Nam có thể thành công với người Việt, nhưng không thể bịt mắt quốc tế.
Tóm lại, vụ bỏ tù LS môi trường Đặng đình Bách, báo hiệu con đường đi đến việc nhận 15,5 tỷ USD hỗ trợ để chuyển đổi năng lượng công bằng, sẽ khó xảy ra.
_________
Chú thích:
----------