Cách Trung Quốc nhìn Việt Nam 'không thay đổi'
Tác giả : Trân Văn (Blog VOA) Nguồn: Báo Tiếng Dân Ngày đăng: 2023-12-19
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đặt vòng hoa viếng tại lăng chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam. Nguồn: Reuters
Rất nhiều người Việt không những không mặn mà, mà còn thiếu thiện cảm với ý tưởng 'chia sẻ vận mệnh chung' hay 'chia sẻ tương lai' mà Trung Quốc đề xuất.
Tuần rồi, chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của ông Tập Cận Bình đã trở thành một trong những sự kiện khuấy động mạng xã hội. Người Việt lại có thêm một dịp bàn luận về quan hệ Việt – Trung, về “chia sẻ vận mệnh chung”, về “chia sẻ tương lai” với láng giềng phía Bắc.
Nhìn một cách tổng quát, đây có lẽ là lần đầu tiên Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chủ động nhắm đến dân chúng Việt Nam thông qua việc gửi cho tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN – một… “tâm thư” nhằm dọn đường dư luận trước khi ông ta đến nơi (1).
Trước nữa khoảng hai tháng – hồi tháng 10 vừa qua, ông Hùng Ba (Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam) cũng công khai bày tỏ sự quan tâm đến dân chúng Việt Nam khi nhấn mạnh, một trong những yếu tố mà hai đảng, hai nhà nước sẽ “đẩy mạnh kết nối” là… LÒNG DÂN (2)
Đó cũng là lý do nên dạo một vòng mạng xã hội để xem những người Việt đương đại nghĩ gì về Trung Quốc và muốn gì trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc…
***
Rất nhiều người Việt không những không mặn mà, mà còn thiếu thiện cảm với ý tưởng “chia sẻ vận mệnh chung” hay “chia sẻ tương lai” mà Trung Quốc đề xuất.
Nhân Tuấn Trương cho rằng: Cách Trung Quốc nhìn Việt Nam không thay đổi trong thời kỳ 'chiến tranh lạnh' hay thời kỳ hai bên 'có vận mệnh tương quan' như hiện thời. Việt Nam là mô hình thu nhỏ của Trung Quốc về mọi mặt, từ ý thức hệ chính trị, đến cung cách xây dựng và quản lý quốc gia… Việt Nam tự nguyện rập khuôn Trung Quốc. Trung Quốc có sáng kiến gì thì Việt Nam cố gắng học sáng kiến ấy. Đảng viên được đào tạo tại Trung Quốc, sĩ quan cũng vậy. Rõ ràng Việt Nam là một 'chư hầu' thời hiện đại của Trung Quốc. Tức là Việt Nam có gia nhập hay không gia nhập 'cộng đồng chung vận mệnh' với Trung Quốc thì cũng không bao giờ được Trung Quốc đối xử 'bình đẳng' và lợi ích của Việt Nam được Trung Quốc tôn trọng. Tình hình là Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc như người đã bị nước ngập tới cổ. Nguyễn Việt – friend của Nhân Tuấn Trương – tóm tắt: 'Chung vận mệnh' chỉ có thể là cùng sống – cùng chết, cùng vui – cùng khổ, cùng yêu – cùng ghét và cùng một đất nước. Ai thích thì cứ đâm đầu lao vào (3)!
Vuong Tran Ngoc dẫn lịch sử Trung Quốc để nêu một ví dụ khác về “cộng đồng chung vận mệnh” – đó là chuyện Tần Thủy Hoàng “di mệnh”, khi ông ta băng hà phải đem tất cả cung tần, mỹ nữ đã “lâm hạnh” (từng được hoàng đế chọn để ân ái) chôn sống, không được bỏ qua ai cả – kèm kết luận: Đấy, biết thế nào là 'chung vận mệnh' kiểu Tàu chưa (4)?
Cũng mượn điển tích Trung Hoa nhưng phổ biến, nhiều người Việt biết hơn là Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi kết nghĩa anh em, Nguyen Khoi dẫn lại việc cả ba cùng thề: Tuy không cùng cha cùng mẹ, không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện cùng chung vận mệnh, chết cùng tháng cùng ngày – và bình, cả ba người “chết ba ngày khác nhau, theo ba cách khác nhau. Các anh hùng thề thốt để câu like, uống thùng rượu to, ăn bát thịt lớn, chứ chẳng bao giờ họ tin nhau” (5).
***
Dường như do rất thiếu thiện cảm và không có chút tin cậy nào nên người dùng mạng xã hội Việt ngữ “soi” đủ thứ, từ việc bày tre khi ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN tiếp ông Tập Cận Bình (6) đến việc cả hai cùng thưởng trà,… tới việc ký các “thỏa thuận hợp tác”. Có không ít người nêu ra những thắc mắc kiểu như Chanh Tam: Sắp tới sẽ có cán bộ nội chính, công an được đào tạo ở Trung Quốc về, không biết nên gọi là ở bên bển hay trên trển (7)
Đánh giá tổng quát về chuyện ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam, có người bày tỏ như Nguyễn Tiến Tường: Bạn Tập sang đây chơi, chúng tôi mang cái lịch thiệp của người Việt ra mà đãi đằng. Ấy là nếu đối đãi không hậu thì sợ chúng tôi bớt đẹp, chứ hổng có phải vì yêu thương gì bạn. Bạn đừng có hiểu nhầm rồi bày đặt miệng lưỡi cú diều 'cộng đồng chung vận mệnh'. Bạn đi cướp biển, cướp đảo người ta xong kêu chung vận mệnh là chung sao? Chúng tôi người văn hiến, sao lại chung vận mệnh với cướp được (8)? Có người nhận định như Lao Ta: Chẳng có tình hữu hảo, cùng chung hệ giá trị hay vận mệnh gì hết. Ông đạp xe xích lô, bà nhặt ve chai Hà Nội cũng biết rõ như vậy nhưng hòa bình là thứ mà chúng ta theo đuổi, cho đến khi hết cơ hội cứu vãn mới buộc phải cầm súng. Đó là tư tưởng cũng như triết lý sinh tồn của người Việt, từ khởi thủy cho đến ngày tận thế. Vì vậy, tôi hoan nghênh ông Tập sang Hà Nội dùng trà. Trà Thái Nguyên ngon nhất thế giới ông ạ. Nhấp đến ngụm thứ bảy như cách uống của Lộ Tung tổ tiên ông, chắc chắn ông sẽ nhận ra Trung Quốc không có cơ hội nào chiến thắng khi hành binh về phương Nam. Chúc ông đi đến nơi, về đến chốn bằng chuyên cơ (9).
Chú thích
----------