Olympic Munich 1972 : Thế Vận Hội của niềm vui biến thành thảm kịch con tin Israel
Tác giả : Bopha Chheang Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-10-24
Giữa chiến tranh lạnh, năm 1972 Cộng Hòa Liên Bang Đức đón kỳ Thế Vận Hội mùa hè lần thứ 20 tại Munich. Với " Thế Vận Hội của hòa bình và của niềm vui ", chính phủ Tây Đức muốn xóa đi ký ức buồn về kỳ Thế Vận Hội 1936 do chính quyền Đức Quốc Xã của Adolphe Hitler tổ chức tại Berlin. Thế nhưng nỗi kinh hoàng đã trở lại trên đất Đức.xxxx
Một thành viên trong nhóm khủng bố người Palestine " Tháng 9 đen tối" tại điểm bắt con tin Israel trong làng vận động viên Olympic, Munich, ngày 05/09/1972. AP - Kurt Strumpf
Một đội biệt kích 8 người Palestine, thuộc nhóm " Tháng 9 đen tối ", đã đột nhập vào làng Olympic, giết chết hai vận động viên Israel và bắt giữ 9 người khác làm con tin.
51 năm trước, một cuộc khủng hoảng con tin đã làm rúng động Thế Vận Hội Munich. Vào ngày 5 tháng 9 năm 1972, trong lúc Thế Vận Hội đang diễn ra sôi động, nỗi kinh hoàng ập đến. Một đội biệt kích khủng bố người Palestine, có tên gọi “Tháng Chín Đen” để tưởng nhớ vụ đàn áp đẫm máu các chiến binh Palestine ở Jordan hồi tháng 9 năm 1970, đã bắt các vận động viên Israel làm con tin. Chính quyền Đức, muốn xóa đi quá khứ Đức Quốc xã của đất nước này, đã triển khai các phương tiện an ninh khá sơ sài. Ngay cả các nhân viên cảnh sát được bố trí xung quanh làng Olympic vào thời điểm các con tin bị bắt giữ đều không được trang bị vũ khí.
Ngày 26/08/1972, đài lửa thắp lên trên sân vận động Olympic tại Munich, Cộng hòa Liên bang Đức, khai mạc Thế vận hội mùa hè lần thứ 20. © AP - Uncredit
Thế Vận Hội Olympic diễn ra tại Cộng Hòa Liên Bang Đức là một thành công mang tính biểu tượng của Tây Đức, vốn muốn xóa đi ký ức kỳ Thế Vận Hội do nước Đức Quốc xã tổ chức tại Berlin năm 1936. Theo Thierry Terret, nhà sử học thể thao, chuyên gia về Olympic, được RFI phỏng vấn, Tây Đức cũng tìm cách khẳng định thế vượt trội của mình với nước láng giềng đồng thời là địch thủ chính trị, Cộng Hòa Dân Chủ Đức (RDA), nước đã xếp trên họ tại kỳ Thế Vận Hội trước. “Nhưng cuối cùng, kết quả hình ảnh trái lại là thảm họa trái với Cộng hòa Liên bang Đức, vốn không chỉ đứng sau CHDC Đức trên bảng thành tích thể thao của các quốc gia mà Cộng Hòa Liên Bang Đức đã thể hiện không có khả năng ứng phó với một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử Thế Vận Hội với vụ nhóm khủng bố Palestine " Tháng Chín Đen tối" bắt giữ con tin ở ngay trong làng Thế Vận Hội", ông Thierry Terret nhận định.
Đó là ngày thứ 11 của Thế Vận Hội Munich, ngày mùng 5/09. Từ sáng sớm, một đội gồm 8 biệt kích Palestine xâm nhập vào làng Thế Vận Hội. Mặc trang phục của các vận động viên, những kẻ khủng bố đã vào được khu nhà ở của đoàn vận động viên nam Israel. Các phần tử khủng bố đã không khó khăn khi xâm nhập, không gặp trở ngại nào vì nước chủ nhà đã quyết định không triển khai các biện pháp an ninh quá nặng nề để chứng tỏ sự tương phản với kỳ Thế Vận Hội "hổ thẹn" do chế độ Quốc Xã tổ chức năm 1936 tại Berlin, khi đó được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cảnh sát. Lần này, thậm chí người ta không hề thấy cảnh sát có vũ trang tuần tra xung quanh làng Olympic.
Ảnh chụp ngày 27/08/2022 : Khu làng Olympic của Thế vận hội Munich 1972, Đức, nơi nhóm khủng bố Palestine đột nhập vào bắt các vận động viên Israel làm con tin. AP - Matthias Schrader
Đột nhập vào căn hộ của các vận động viên Israel, nhóm vũ trang “Tháng Chín Đen tối” đã giết chết hai vận động viên Israel và bắt 9 người khác làm con tin. Cảnh sát Đức dù không được chuẩn bị tốt đã nhanh chóng bao vây tòa nhà.
Bắt đầu là các cuộc thương lượng. Những kẻ khủng bố đưa ra nhiều yêu sách, trong đó có đòi thả khoảng 230 tù nhân Palestine bị giam giữ ở Israel. Nhiều giờ trôi qua, tình hình ngày càng trở nên lộn xộn. Cuối cùng, thỏa thuận đã đạt được vào tối ngày 5 tháng 9.
Những kẻ khủng bố và con tin được chuyển bằng trực thăng đến sân bay quân sự gần Munich. Vụ bắt giữ con tin kéo dài cả ngày đã kết thúc bằng một cuộc tấn công, được tổ chức kém cỏi của cảnh sát Đức tại căn cứ không quân Fürstenfeldbruck, phía tây bắc Munich. Chiến dịch giải cứu con tin thất bại, kết thúc trong bể máu. Thiệt hại rất nặng nề: 17 người chết trong đó có 11 vận động viên Israel, một sĩ quan cảnh sát Đức và 5 thành viên biệt đội Palestine.
Chuyên gia về phong trào Olympic, Thierry TERRET nói về vụ bắt con tin Israel giữa làng Olympic, Munich 1972:
Olympic Munich 1972: Thảm kịch con tin Israel





Hai chiếc trực thăng được cấp cho nhóm khủng bố Plestine để di chuyển ra sân bay bị đặc nhiệm Đức tấn công ngày, 07/09/1972, tại Munich. AP
Thế Vận Hội tiếp diễn
Mặc dù thảm kịch được truyền hình trên khắp thế giới theo dõi trực tiếp, Thế Vận Hội đã trở lại tiếp tục các cuộc thi đấu ngay ngày 7 tháng 9 năm 1972. Các cuộc thi đấu chỉ bị gián đoạn vào khoảng 3 giờ chiều ngày xảy ra thảm kịch. Ngày hôm sau, một buổi lễ tổ chức tại sân vận động Olympic ở Munich để tưởng niệm 11 vận động viên Israel, nạn nhân của khủng bố.
“Tôi đã quen với bất an”
Meas Kheng vẫn chưa quên ngày hôm đó. Vận động viên trẻ chạy cự ly ngắn người Cam Bốt chuẩn bị ra đường chạy tập để thử bàn đạp xuất phát. Thức dậy vào ngày 5 tháng 9, chị thấy hỗn loạn khắp trong làng Olympic. Khu làng bị cảnh sát phong tỏa. “Cảnh sát có mặt ở khắp mọi nơi. Họ đã đóng những lối đi mà tôi phải đi. Khi đến trung tâm tập luyện, tôi được biết giữa người Israel và người Palestine đang có chuyện. Vào thời điểm đó, tôi thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra,” Meas Kheng nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn của RFI.
Meas Kheng, vận động viên chạy cự ly ngắn Cam Bốt tập luyện tại Phnom Penh, năm 1972. © Réalités cambodgiennes
Năm nay đã 77 tuổi, bà Meas Kheng nhớ mình không hề sợ hãi khi nghe tin những người có vũ trang xông vào làng Olympic. “Ở đất nước Cam Bốt của tôi, tôi đã quen nghe thấy tiếng súng của lính Khmer Đỏ khi họ tấn công vào làng. Tôi không lạ gì với những chuyện bất an thế này ”.
Vì không nói được một thứ tiếng nước ngoài nào, Meas Kheng thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra lúc đó và nhanh chóng không quan tâm đến chuyện đó. Bà thổ lộ : “Thành thật mà nói, tôi đã nhanh chóng chuyển sang việc khác, điều quan trọng đối với tôi khi đó là chuẩn bị thật tốt. Tôi còn rất trẻ. Tôi tự nhủ rằng tham gia Thế Vận Hội Munich là để giành huy chương. Vì vậy, tôi tập trung lại vào mục tiêu của mình với tư cách một vận động viên là : Giành chiến thắng.”
Được người Cam Bốt gọi là nữ hoàng chạy nước rút của Đông Nam Á trong những năm 1970, vận động viên chạy cự ly 100 mét và 200 mét này khi đó là phụ nữ duy nhất trong đoàn Cam Bốt tham dự Olympic Munich. Đội tuyển Cam Bốt gồm 4 vận động viên bơi lội, 4 điền kinh và một võ sĩ quyền anh.
Sau Thế Vận Hội Munich, trưởng đoàn Cam Bốt giải thích rằng các vận động viên của ông đã không thể chuẩn bị tốt và đầy đủ vì ở vương quốc nhỏ bé này, nội chiến đang hoành hành ác liệt giữa binh lính cộng sản Khmer Đỏ với quân đội Cộng hòa Khmer của Lon Nol.
Cam Bốt có lẽ không nghĩ rằng Olympic Munich lại là Thế Vận Hội cuối cùng nước này tham dự, để rồi sau đó phải vắng mặt rất lâu. Phải đợi đến tận năm 1996, Cam Bốt mới được trở lại với phòng trào Olympic.
Một thảm kịch đổ xuống Cam Bốt, chế độ Khmer Đỏ tàn phá hủy diệt đất nước. Cũng như mọi hoạt động khác, thể thao bị trở về con số không. Mọi nền tảng thể thao không có chỗ trong xã hội nông nghiệp không tưởng của Khmer Đỏ, đã làm gần hai triệu người Cam Bốt thiệt mạng.
Mãi đến năm 1993, không lâu sau Hiệp định Hòa bình Paris, Ủy Ban Olympic Quốc Tế công nhận trở lại Cam Bốt là thành viên của gia đình Olympic thế giới. Điều này dẫn đến một số thay đổi lớn trong quản lý thể thao Campuchia. Tại Thế Vận Hội Atlanta 1996, đoàn Cam Bốt lại được diễu hành dưới lá cờ Olympic, trong khi đất nước này mới bắt đầu một cuộc hồi sinh.
Từ lần đầu tham dự Thế Vận Hội 1956, Cambodge đã cử vận động viên của mình tham gia 9 kỳ Thế Vận Hội mùa hè, lần gần nhất là Thế Vận Hội Tokyo 2020. Và vương quốc này vẫn tiếp tục ấp ủ giấc mơ giống như Meas Kheng, một ngày nào đó sẽ giành được tấm huy chương Olympic.
(Tác giả: Bopha Chheang)
----------