Tại sao Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vẫn giữ án tử hình?
Tác giả : Nguyễn Quốc Tấn Trung Nguồn: Luật Khoa Tạp Chí Ngày đăng: 2023-10-24
Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.
Hoa Kỳ là một trong số ít các quốc gia phát triển vẫn còn duy trì án tử hình, trong khi hầu hết các quốc gia tương đồng về kinh tế và xã hội đã gần như hoàn toàn bãi bỏ hình phạt này. [1]
Khác với tưởng tượng của nhiều người về một hệ thống tư pháp cấp tiến đôi khi đến mức cực đoan (như đốt quốc kỳ là hành động tự do cần được bảo vệ), nước Mỹ không có quá nhiều thay đổi trong cách nhìn về án tử hình.
Vậy lý do gì khiến nền tư pháp Hoa Kỳ tiếp tục duy trì quan điểm của họ về án tử hình? Bài viết này có thể giúp độc giả phần nào hiểu được cách tiếp cận án tử ở Hoa Kỳ cũng như những lý luận tư pháp khiến cho quốc gia này tiếp tục duy trì án tử.
Các diễn biến tư pháp
Án tử hình tại Hoa Kỳ không có nhiều biến chuyển từ thời kỳ lập quốc cho đến tận thập niên 1960. Lúc này, không gian năng động và giàu cảm hứng của phong trào quyền dân sự người da màu đã thúc đẩy nhiều nỗ lực thay đổi hay thậm chí thách thức tính hợp lý, hợp hiến của án tử hình thông qua hệ thống án lệ.
Nhìn chung, lý luận chủ yếu chống án tử hình trong không gian pháp luật Mỹ dựa vào Tu chính án thứ tám của Hiến pháp Hoa Kỳ. Theo đó, các nhóm phản đối án tử hình cho rằng Tu chính án thứ tám cấm những hình phạt, đối xử có tính chất tàn độc và bất thường (cruel and unusual). Tử hình - việc tước đoạt một tính mạng con người - nên được xem là một trong số đó.
Lý luận này có thể được tìm trong án lệ Trop v. Dulles (1958) của Tối cao Pháp viện, án lệ đầu tiên cho rằng Tu chính án thứ tám có hàm chứa “những chuẩn mực xã hội phù hợp với sự phát triển của một xã hội trưởng thành.” [2] [3] Dù Trop v. Dulles không phải là một án lệ liên quan trực tiếp đến án tử hình, các nhóm phản đối án tử tại Hoa Kỳ nhanh chóng vận dụng những lý luận được ghi nhận trong đó, dần dần hình thành luận điểm rằng “một xã hội trưởng thành” với những “chuẩn mực” tiến hóa mới không thể nào còn tiếp tục chấp nhận án tử hình.
Hai án lệ tiếp theo mà chúng ta có thể kể đến là U.S. v. Jackson (1968)Witherspoon v. Illinois (1968).
Trong án U.S. v. Jackson, Tối cao Pháp viện nghe tranh biện về một quy định pháp lý liên bang liên quan đến tội danh bắt cóc. [4] Quy định này ghi nhận rằng án tử hình chỉ có thể được áp dụng nếu có sự đề xuất từ một hội thẩm trong phiên tòa xét xử. Qua phân tích, Tối cao Pháp viện đồng ý rằng quy định này là vi hiến vì nó có xu hướng ép buộc nghi phạm phải chấp nhận các thỏa thuận nhận tội (trước đó) và từ chối quyền được xét xử để tránh khả năng chịu án tử hình.
Trong án Witherspoon v. Illinois, tranh luận chủ yếu liên quan đến việc liệu phía công tố có thể yêu cầu tòa loại bỏ một thành viên của ban hội thẩm hay không nếu người này có niềm tin riêng về việc muốn xóa bỏ án tử hình, đặc biệt trong các vụ án mà bị cáo đang đối mặt với án tử hình. [5] Tối cao Pháp viện lý luận rằng việc loại bỏ nói trên chỉ có thể hợp hiến nếu phía công tố có thể chứng minh một cách đầy đủ và hợp lý rằng thái độ bài án tử hình của thành viên hội thẩm có thể dẫn đến việc vị hội thẩm này đưa ra những quyết định thiên vị.
Đây là những bản án nền tảng, dù không có quá nhiều liên hệ trực tiếp, nhưng tạo ra sự tự tin nhất định của cho nhiều nhóm vận động bãi bỏ án tử hình tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, với bản án quan trọng nhất thách thức tính hợp hiến của án tử hình là Gregg v. Georgia (1976), các nhà đấu tranh và vận động chống án tử hình không đạt được kỳ vọng của mình.
Lý luận của Tối cao Pháp viện
Trong án lệ Gregg v. Georgia, một bồi thẩm đoàn tại tiểu bang Georgia tuyên bị cáo tên Gregg án tử hình dành cho hai tội danh là cướp của và giết hai người. [6] Đối với bản án phúc thẩm, Tòa án Tối cao bang Georgia giữ nguyên hình phạt tử hình, dù loại trừ mức hình phạt này cho phần tội danh cướp của.
Với hai bản án này, Gregg thách thức toàn bộ án tử hình dành cho mình với luận điểm cho rằng tử hình nói chung là hình phạt tàn độc và bất thường, vi phạm Tu chính án thứ tám và Tu chính án thứ mười bốn của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Tu chính án thứ tám và nội dung của nó đã được giới thiệu sơ lược ở phần trên (về vấn đề tàn độc và bất thường). Trong khi đó, Tu chính án thứ mười bốn thường được sử dụng trong các lý luận phản biện án tử vì nó bao trùm trong hầu hết các vấn đề về quyền công dân.
Cụ thể, cụm từ thường được sử dụng nhất trong tu chính án này là “equal protection under the laws” (tạm dịch: bảo vệ bình đẳng trước pháp luật). Tu chính án thứ mười bốn từng được sử dụng thành công trong các án lệ như Brown v. Board of Education (1954) về phân biệt chủng tộc, và Roe v. Wade (1973) về quyền liên quan đến sinh sản, tuy nhiên án lệ này đã bị lật lại gần đây. [7] [8]
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đi qua hai bước để cân nhắc yêu cầu của bị cáo Gregg: Một là cách quy định về án tử hình của bang Georgia có vấn đề hay không? Hai là án tử hình nói chung có phải vấn đề hay không? Ngoài ra, Pháp viện còn đi sâu vào các tình tiết và lập luận riêng biệt cho vụ án, nhưng đây không phải là mấu chốt cho thảo luận của bài viết này.
Trước tiên, Tối cao Pháp viện chỉ ra rằng, để đưa ra hình phạt tử hình tại Georgia, thẩm phán xét xử được quy định phải hướng dẫn bồi thẩm đoàn cân nhắc tất cả các tình huống tăng nặng hoặc giảm nhẹ có thể áp dụng trong vụ án liên quan, đã được chứng minh và xác nhận bởi các bằng chứng trình bày tại tòa.
Sau đó, với trường hợp phản quốc hay không tặc là ngoại lệ, trước khi tuyên án tử hình, thẩm phán và bồi thẩm đoàn cần phải tìm ra được một trong số mười trường hợp tăng nặng nghiêm trọng được ghi nhận trong bộ luật hình sự tiểu bang. Và hiển nhiên sau đó, bồi thẩm đoàn vẫn phải bỏ phiếu xem họ có đồng thuận đa số trong việc chọn án tử hay không.
Ngoài ra, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng thông qua cấp xét xử cao nhất của tiểu bang, hệ thống tòa án của Georgia cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng các câu hỏi như:
1. Liệu hình phạt tử hình được cân nhắc có bị áp dụng vì các yếu tố ngoại vi phi pháp lý như cảm xúc nhất định, định kiến, hay những vấn đề tùy tiện khác (arbitrary factors);
2. Cân nhắc các bằng chứng trong vụ án có thật sự rơi vào trường hợp tăng nặng được pháp luật quy định;
3. Cân nhắc xem việc áp dụng án tử hình có quá mức (excessive), không cân xứng (disproportionate), v.v. và chứng minh câu hỏi này thông qua các án lệ tương tự.
Với quy trình và các yếu tố cần được đánh giá như trên, không quá khó hiểu khi Tối cao Pháp viện cho rằng hệ thống pháp luật của tiểu bang Georgia không hề tùy tiện hay tàn độc bất thường trong việc áp dụng án tử hình, ít nhất là về mặt thủ tục. Quy trình sơ thẩm chặt chẽ, rõ ràng, cộng với khả năng phúc thẩm lên tòa cấp cao nhất với hàng loạt các điểm được cân nhắc là căn cứ để Tối cao Pháp viện phủ nhận tính bất thường hay tùy tiện mà phía Gregg đặt ra.
Tiếp đó, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xem xét xem liệu hình phạt tử hình dành cho bản thân Gregg có phải là một sự tàn độc hay bất thường không.
Trong phần lập luận này, chúng ta có thể tổng hợp được một vài quan điểm chủ yếu:
1. Tính hợp hiến của án tử hình không thể là vấn đề tranh luận. Ngôn ngữ của Tu chính án thứ tám nhắm đến việc hạn chế và loại bỏ các hình phạt, biện pháp tư pháp dã man (barbarous) và có tính tra tấn (torturous). Không đủ cơ sở để cho rằng án tử hình tự thân nó là điều mà Tu chính án thứ tám muốn nhắc tới, đặc biệt cân nhắc các án lệ liên quan.
2. Vì bên khởi kiện dựa vào lý luận cho rằng đã có những chuẩn mực tiến hóa mới của xã hội Hoa Kỳ khiến cho việc áp dụng án tử hình dành cho bất kỳ tội danh nào cũng không còn hợp lý và từ đó vi phạm Tu chính án thứ tám, tòa xem xét tổng quan tình hình lập pháp toàn quốc cũng như các yếu tố xã hội khác.
3. Trước tiên, dùng lý luận đa số, tòa cho rằng trong số các hệ thống lập pháp tiểu bang vừa đổi mới pháp luật hình sự của mình, vẫn có đến ít nhất 35 tiểu bang Hoa Kỳ tiếp tục xác lập sự cần thiết của án tử hình.
4. Trường hợp duy nhất có động thái sửa đổi hướng tới loại bỏ án tử hình là ở California, và tòa cho rằng điều này không đủ để chứng minh chuẩn mực mới mà bên khởi kiện nói tới.
5. Tối cao Pháp viện kết luận rằng, sự đồng thuận đạo đức của hàng loạt các cơ quan dân cử khắp nước Mỹ đối với việc tiếp tục duy trì án tử hình không cho phép tòa đi đến một kết luận ngược lại.
***
Với những thông tin trên, có thể thấy Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho rằng án tử hình không vi hiến ở quốc gia này dựa trên hai yếu tố.
Đầu tiên, họ xem xét tính thủ tục (procedure) của án tử hình. Nếu các thủ tục tư pháp dẫn đến việc lựa chọn hình phạt tử hình là kỹ lưỡng, minh bạch; cân nhắc loại bỏ các yếu tố tùy tiện như định kiến, sự quá mức không cần thiết; thì án tử hình được xem là một lựa chọn phù hợp khi cần thiết.
Thứ hai, vì các lý luận liên quan đến Tu chính án thứ tám và sự tiến hóa của chuẩn mực mà xã hội mà nhóm phản đối án tử hình đưa ra, Tối cao Pháp viện lập luận dựa trên chính quan điểm lập pháp và sự thay đổi giới hạn của các cơ quan dân cử Mỹ khi nói về án tử hình.
Nhìn chung, có thể thấy rằng hệ thống tư pháp Hoa Kỳ và thậm chí là xã hội Hoa Kỳ vẫn có sự bảo thủ và xu hướng duy trì sự ổn định của luật pháp. Tuy nhiên, không vì vậy mà cho rằng hệ thống này không có những công cụ cần thiết để kiểm soát và chỉ ra vấn đề của hình phạt tử hình trong từng vụ việc cụ thể.
Trong các phép thử mà Gregg v. Georgia đưa ra, chúng ta cần thấy rằng khả năng vô hiệu hóa những bản án tử hình không chính đáng, lạm dụng quyền lực, hay có vấn đề, v.v là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo người viết, dù có ủng hộ án tử hình hay không, điều trước tiên chúng ta có thể làm là bắt đầu từ những yếu tố mang tính kỹ thuật, thủ tục như thế.
----------