Bước thụt lùi trong tuyên bố chung Việt - Trung sau chuyến đi của ông Phạm Minh Chính
Tác giả : Dương Đại Hải Nguồn: Đài Á Châu Tự Dơ Ngày đăng: 2023-07-07


Thủ tướng VN Phạm Minh Chính và Thủ tướng TQ Lý Cường duyệt đội danh dự tại Bắc Kinh hôm 26/6/2023
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng nhiều quan chức cấp cao mới đây đã có chuyến thăm Trung Quốc nhân dịp tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới WEF (1).
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Phạm Minh Chính diễn ra trùng hợp thời điểm Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ ghé thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.
Chuyến đi của ông Phạm Minh Chính trong bối cảnh dồn dập các hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Tháng 5/2023, một tàu chiến Trung Quốc đã ghé thăm Việt Nam. Trước khi tàu sân bay Mỹ ghé Đà Nẵng, tàu chiến và tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản cũng ghé cảng Cam Ranh. Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cũng vừa kết thúc chuyến thăm Ấn độ cách đây không lâu.
Cùng lúc ông Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc, cũng có chuyến thăm và hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken của Trưởng ban đối ngoại trung ương Lê Hoài Trung.
Thông qua các hoạt động đối ngoại dày đặc của Việt Nam trong năm nay cũng có thể thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc cố gắng thúc đẩy đa phương hoá và cân bằng quan hệ giữa các cường quốc trước bối cảnh an ninh toàn cầu đang có những biến động rất đáng lo ngại.
Nhiều chuyên gia đánh giá cao về sự năng động trong chính sách đối ngoại của Việt Nam theo xu hướng đa liên kết. Thế nhưng, cũng cần xem xét lại một số điểm, cụ thể là với chuyến đi của ông Phạm Minh Chính.
Ngày 29/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công bố bản ghi chép cuộc trao đổi giữa Trưởng ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và Ngoại trưởng Mỹ Blinken.
Ông Phạm Minh Chính kết thúc chuyến đi Trung Quốc ngày 28/6, nhưng đến ngày 29/6, hai bên mới ban hành Thông cáo báo chí chung, và văn bản này được cho biết làm tại Bắc Kinh (2). So sánh Thông cáo báo chí chung sau chuyến đi của ông Chính lần này với Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc hồi tháng 11/2022 có thể thấy mặc dù về cơ bản, nhiều đoạn có ý và câu văn khá giống nhau, nhưng có nhiều chỗ quan trọng thì dường như trong Thông cáo báo chí chung lần này có những bước thụt lùi so với Tuyên bố chung.
Thứ nhất, trong Thông cáo báo chí chung có câu: “Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, Trung Quốc coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.” Trong Tuyên bố chung năm 2022 không thấy có câu này hay ý tương tự. Mặc dù ai cũng biết, trong thực tế, vị thế của Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn khác nhau, chênh lệch nhau rất nhiều. Thế nhưng theo nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền trong quan hệ quốc tế (Được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Hiến chương LHQ), thì trong các văn bản ngoại giao, không khi nào các quốc gia lại thể hiện ra sự yếu thế đến như vậy. Ngay trong Tuyên bố chung năm 2022 hoàn toàn thể hiện sự cân bằng trong quan hệ Việt - Trung, chứ không lệch lạc và yếu thế như trong Thông cáo báo chí chung lần này.
Thứ hai, trong vấn đề Đài Loan, Tuyên bố chung năm 2022 đề cập: “10. Phía Việt Nam tái khẳng định kiên trì chính sách “Một Trung Quốc”, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức và nhất quán ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Việt Nam không phát triển quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan.”
Còn trong Thông cáo báo chí chung thì đề cập: “7. Phía Việt Nam nhất quán kiên định chính sách "một Trung Quốc", tái khẳng định Đài Loan là bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc, kiên quyết phản đối các hoạt động chia rẽ đòi "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức; không phát triển bất cứ quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan.”
Nếu như trong Tuyên bố chung, còn nhắc tới nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước” thì trong Thông cáo báo chí chung lần này hoàn toàn không đề cập đến nguyên tắc quan trọng này, mà dường như lặp lại những điều Bắc Kinh yêu cầu.
Thứ ba, trong Tuyên bố chung năm 2022 có nhắc: “Việt Nam ghi nhận tích cực Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc.”
Nhưng trong Thông cáo báo chí chung thì đề cập: “Việt Nam đánh giá cao Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu do Trung Quốc đưa ra, hai bên sẽ đi sâu trao đổi về các biện pháp cụ thể.”
Điều này cho thấy sự thụt lùi nguy hiểm trong Thông cáo báo chí chung so với Tuyên bố chung năm 2022, khi Việt Nam cam kết trước các thứ gọi là Sáng kiến nhưng rất mơ hồ và đầy cạm bẫy như Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc.
Chưa kể, trong văn bản tiếng Anh mà Trung Quốc công bố thì lại viết khác: “Việt Nam cam kết kiên định với chính sách một Trung Quốc, ủng hộ Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng, ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, và sẽ tiếp tục tích cực tham gia hợp tác Vành đai và Con đường, làm sâu sắc hơn hợp tác trên các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc không ngừng tiến triển và phát triển.” (3)
Những điều này cho thấy sự yếu kém trong việc đàm phán và ra Thông cáo báo chí chung lần này trong phái đoàn của ông Phạm Minh Chính, mặc dù có cả Bộ trưởng Ngoại giao, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao và các ban bệ khác. Còn Tuyên bố chung năm 2022, mặc dù do Ban đối ngoại Trung Ương thực hiện việc đàm phán, nhưng còn chặt chẽ và cân bằng hơn nhiều so với Thông cáo báo chí chung lần này.
Mặc dù sẽ có nhiều người cho rằng, tính chất của Thông cáo báo chí chung lần này sẽ ít quan trọng hơn rất nhiều so với Tuyên bố chung, và có lẽ phía Việt Nam đang sốt sắng cho việc thúc đẩy quan hệ đa phương với nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, cho nên phái đoàn ông Chính “nhắm mắt ký đại” cho Trung Quốc yên lòng, để Việt Nam rảnh tay làm việc khác. Thế nhưng, với một Thông cáo báo chí chung giữa hai Thủ tướng mà phía Việt Nam bộc lộ nhiều yếu kém và sơ hở như vậy, sẽ khiến cộng đồng quốc tế nghĩ sao về chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam?
Chưa kể, chơi với Trung Quốc thì không có nghĩa cứ hứa suông là xong. Trung Quốc rất giỏi trong đàm phán và gây sức ép mà Việt Nam đã nhiều lần bị “ăn quả đắng”. Nếu đã cam kết, thì Trung Quốc sẽ tìm cách ép đến cùng và người chịu thiệt sẽ là Việt Nam chứ không phải Trung Quốc đâu. Kinh nghiệm trong đối ngoại và đàm phán với Trung Quốc luôn khẳng định điều đó.
_________
Tham khảo:
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
----------