Facebook bị phạt 1,2 tỷ euro vì không xử lý thỏa đáng dữ liệu người dùng
Tác giả : Shiona McCallum Nguồn: BBC Tiếng Việt Ngày đăng: 2023-05-22


Meta, hãng sở hữu Facebook, bị phạt 1,2 tỷ euro (1 tỷ bảng Anh) vì xử lý không thỏa đáng dữ liệu của người dùng khi chuyển dữ liệu từ châu Âu sang Hoa Kỳ.
Là khoản do Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu (DPC) của Ireland tuyên phạt, đây là khoản tiền phạt lớn nhất được áp dụng theo luật bảo mật Quy định chung về Bảo vệ Dữ liệu của Liên minh châu Âu (GDPR).
GDPR đặt ra những quy tắc mà các công ty phải tuân theo để chuyển dữ liệu người dùng ra bên ngoài EU.
Meta nói họ sẽ kháng cáo phán quyết có nội dung "không chính đáng và không cần thiết" này.
Điểm mấu chốt trong quyết định này là việc sử dụng các điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn (SCC) để chuyển dữ liệu từ EU sang Hoa Kỳ.
Các hợp đồng pháp lý này, do Ủy ban châu Âu chuẩn bị, bao gồm các biện pháp bảo vệ để đảm bảo dữ liệu cá nhân tiếp tục được bảo vệ khi chuyển ra bên ngoài châu Âu.
Nhưng có những lo ngại rằng việc chuyển gian dữ liệu như vậy vẫn khiến người dùng ở châu Âu phải đối mặt với luật riêng tư của Hoa Kỳ, vốn quy định dễ dãi hơn so với châu Âu - và tình báo Hoa Kỳ có thể tiếp cận vào dữ liệu đó.
'Tiền lệ nguy hiểm'
Hầu hết các công ty lớn đều có mạng lưới truyền dữ liệu phức tạp - trong đó có thể bao gồm địa chỉ email, số điện thoại và thông tin tài chính - tới người nhận ở nước ngoài, mà việc chuyển nhiều thông tin trong số những dữ liệu đó phụ thuộc vào SCC.
Meta nói việc hãng bị phạt tiền do sử dụng các quy định có nội dung chung, khoáng đạt, là không công bằng.
Chủ tịch Facebook Nick Clegg nói : "Do đó, chúng tôi rất thất vọng vì đã bị nhắm đích danh khi sử dụng cơ chế pháp lý giống như hàng ngàn công ty khác đang tìm cách cung cấp dịch vụ ở châu Âu."
"Quyết định này là thiếu sót, không chính đáng và tạo tiền lệ nguy hiểm cho vô số công ty khác chuyển dữ liệu giữa EU và Hoa Kỳ."
Trận chiến kéo dài hàng thập kỷ
Năm 2013, cựu nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Edward Snowden tiết lộ chính quyền Mỹ đã nhiều lần truy cập thông tin của người dân thông qua các công ty công nghệ như Facebook và Google.
Nhà vận động quyền riêng tư người Áo Max Schrems đã đệ đơn kiện Facebook là đã không bảo vệ quyền riêng tư của mình, gây ra cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ về tính hợp pháp của việc chuyển dữ liệu của EU sang Hoa Kỳ.
Tòa án cao nhất của Châu Âu, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), đã nhiều lần nói rằng Washington không áp dụng đủ các biện pháp kiểm tra để bảo vệ thông tin của người dùng từ châu Âu.


Từ 17/03/2023, luật DSA của EU có hiệu lực, nhằm "chấn chỉnh" các đại gia công nghệ
Vào năm 2020, ECJ ra phán quyết rằng thỏa thuận chuyển dữ liệu từ EU sang Hoa Kỳ là không hợp lệ.
Nhưng ECJ đã để ngỏ cho các công ty sử dụng SCC, nói rằng việc chuyển dữ liệu sang bất kỳ quốc gia thứ ba nào khác là hợp lệ miễn là nó đảm bảo "mức độ bảo vệ dữ liệu phù hợp".
Đây là phép thử mà Meta đã dùng nhưng thất bại.
'Tái cơ cấu một cách căn bản'
Khi được hỏi về khoản tiền phạt 1,2 tỷ euro, ông Schrems nói rằng ông "rất vui khi thấy quyết định này được đưa ra sau 10 năm kiện tụng" nhưng nói khoản phạt này lẽ ra có thể cao hơn nhiều.
"Trừ khi luật giám sát của Hoa Kỳ được sửa chữa, Meta sẽ phải cơ cấu lại hệ thống của mình một cách căn bản," ông nói.
Hoa Kỳ gần đây đã cập nhật các biện pháp bảo vệ pháp lý nội bộ của mình để đảm bảo với EU ở mức cao hơn rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ sẽ tuân thủ các quy tắc mới trong vấn đề quản lý việc truy cập dữ liệu đó.
Vào năm 2021, Amazon đã bị phạt tương tự, do vi phạm tiêu chuẩn quyền riêng tư của EU.
DPC của Ireland cũng đã phạt WhatsApp, một hãng khác cũng thuộc sở hữu của Meta, vì vi phạm các quy định nghiêm ngặt liên quan đến tính minh bạch của dữ liệu được chia sẻ với các công ty con khác trong tập đoàn.
----------