Vương quốc Anh long trọng tổ chức Lễ Đăng quang của Vua Charles III
Nguồn: BBC Tiếng Việt Ngày đăng: 2023-05-06
Tóm tắt
1. • Vua Charles III chính thức đăng quang trong buổi lễ được tổ chức hôm thứ Bảy, 6/5/2023
2. • Tân vương 74 tuổi sẽ được đội vương miện tại Tu viện Westminster cùng với Hoàng hậu Camilla. Ông sẽ là vị vua thứ 40 đăng quang tại đây kể từ năm 1066
3. • Ông kế vị Nữ hoàng Elizabeth II, người qua đời hôm 9/9/2022 ở tuổi 96
Tường thuật trực tiếp
1. Đăng lúc 9:41
Bay ngang qua Cung điện Buckingham
Màn trình diễn đẹp mắt của phi đội The Red Arrows đánh dấu kết thúc một ngày lễ huy hoàng, ngày Vua Charles III đăng quang.



2. Đăng lúc 9:30
Trên ban-công
Tân vương và Hoàng hậu xuất hiện trên ban-công.



Đăng lúc 9:26
Đám đông khổng lồ tụ tập chờ đón giây phút nhìn thấy Tân vương
Khu vực quanh Cung điện Buckingham tràn ngập sắc cờ Anh quốc, bất chấp thời tiết xấu.



Đăng lúc 9:19
Mọi chú ý nay dồn tới ban-công Cung điện Buckingham
Đây là nơi Vua và Hoàng hậu sẽ xuất hiện trong ít phút nữa. Họ sẽ vẫy chào đám đông khổng lồ bên dưới, và ngắm nhìn màn biểu diễn trên không trước khi ngày lễ kết thúc.



Đăng lúc 9:14
TIN MỚI NHẬN: Thời tiết xấu khiến phần trình diễn phi cơ phải giảm bớt
Chúng tôi vừa mới nhận được tin nóng. Do thời tiết không thuận, trời có mưa nên màn trình diễn trên không sẽ được thực hiện ở quy mô nhỏ hơn so với dự kiến. "Do thời tiết không ổn định, màn trình diễn bay trên Cung điện Buckingham nay sẽ chỉ gồm các trực thăng và đội bay nhào lộn The Red Arrows. Màn trình diễn sẽ kéo dài trong hai phút rưỡi," thông cáo của Bộ Quốc phòng nói.
Đăng lúc 9:00
Quốc ca vang lên trong khu vườn của Cung điện Buckingham
Vua Charles III bước ra khu vực phía tây Cung điện Buckingham để tiếp nhận nghi thức chào mừng của binh sĩ.
Các binh lính chào đón nhà vua trong lúc dàn nhạc chơi bài hát quốc ca.



Đăng lúc 8:55
Quang cảnh tráng lệ của Lễ rước Tân vương về Cung điện Buckingham
Gần 4.000 thành viên các lực lượng vũ trang Vương quốc Anh sẽ tham gia vào sự kiện mà Bộ Quốc phòng gọi là nghi lễ quân sự hoàng gia lớn nhất trong suốt một thế hệ.
Đại diện từ các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung và các vùng Lãnh thổ hải ngoại của Anh cũng tham dự.
Quân đoàn Hoàng gia Anh sẽ cử đội danh dự gồm 100 người xếp hàng trên tuyến đường diễu hành ở Quảng trường Quốc hội. Tuyến đường kéo dài 1,42 dặm (2,29 km) tính từ tu viện cho đến khuôn viên cung điện. Nhà vua và Vương hậu đã nhận được nghi thức chào mừng của Hoàng gia và ba lần reo hò cổ vũ từ các quân nhân tham gia diễu hành.
Năm 1953, tuyến đường thực hiện lễ rước hơn 4 dặm và mất 45 phút để cả đoàn rước mới đi qua hết một địa điểm.













Đăng lúc 8:48
Vua Charles và Vương hậu về đến Cung điện Buckingham





Đăng lúc 8:10
Lễ rước tân vương về Cung điện Buckingham
Nhà vua và Hoàng hậu sẽ rời khỏi ngai vàng và có khả năng sẽ đi vào Nhà nguyện St Edward - tại đây Charles sẽ bỏ Vương miện St Edward xuống để đội Vương miện Đế chế rồi tham gia đoàn rước rời khỏi tu viện trong tiếng quốc ca.
Sau đó, Vua và Hoàng hậu sẽ trở lại Cung điện Buckingham theo hướng ngược lại với tuyến đường mà họ đã đến, lần này đi trên cỗ xe hoàng gia Gold State Coach 260 tuổi, vốn được sử dụng trong mọi lễ đăng quang kể từ William IV năm 1831.



Đăng lúc 8:07
Quốc ca vang lên
"Chúa phù hộ vị Vua nhân từ của chúng ta," dàn hợp xướng hát lên khi Vua Charles xuất hiện trở lại - và bắt đầu bước ra khỏi Tu viện Westminster.
Bây giờ ông đang đội một chiếc vương miện khác:



Đăng lúc 7:59
Chùm ảnh: Vương hậu Camilla đội vương miện
Trong Tu viện Westminster, Đức Tổng Giám mục Canterbury cũng đội lên chiếc Vương miện của Nữ hoàng Mary cho Vương hậu Camilla.
Chiếc vương miện này đã được chỉnh lại cho vừa với đầu của bà, gắn 2.200 viên kim vương trang trí.







Đăng lúc 7:53
Cận cảnh chiếc vương miện St Edward
Bạn có thể thấy chi tiết của chiếc Vương miện của St Edward trong bức ảnh này, sau khi được đội lên đầu của Nhà vua.
Được làm bằng vàng nguyên khối 22 cara, chiếc vương miện 360 năm tuổi đời này cao hơn 30 cm và rất nặng, khoảng 2,23 kg.



Đăng lúc 7:04
Nghi thức đội vương miện
Vua Charles III chính thức được đội vương miện, bắt đầu một triều đại mới.









Đăng lúc 6:59
Lễ dâng quyền trượng, gươm báu
Lễ dâng quyền trượng, gươm báu bắt đầu cùng lời nhắc của Tổng Giám mục Welby: “Bệ hạ dùng quyền vì tình thương, vì công lý, không vì bạo lực.”
Sau đó là lễ mặc Hoàng bào.
Các thủ tục này sẽ đạt đỉnh điểm bằng Lễ Đội vương miện cho Vua Charles và Hoàng hậu.



Đăng lúc 6:47
Nghi lễ xức dầu
Sau phần tuyên thệ là lễ xức dầu cho Tân vương.
Lễ xức dầu thánh bắt dầu, với dầu từ Jerusalem. Lời tuyên bố của Tổng Giám mục Welby nói đây là Thánh Lễ trong lúc Dàn đồng ca hát bài ngợi ca thầy tu Zadok. Lễ xức dầu diễn ra kín đáo sau tấm bình phong.
Bình đựng và thìa dùng trong nghi lễ này được chế tác từ hàng trăm năm trước.



Đăng lúc 6:40
Phát biểu của Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby
Xen vào giữa các đoạn ca hát mang tính tôn giáo là phát biểu của Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby. Ngài trích lời Chúa Giê Su rằng Nước Chúa là tấm gương cho Vương quốc, nơi quyền lực là để phụng sự, không phải “để bám lấy vì chính nó”.
Đăng lúc 6:21
Vua Charles III tuyên thệ
Lễ tuyên thệ, theo thủ tục từ 1688, bắt đầu sau khi các vị trưởng những Dòng tu Hiệp sĩ thay nhau nhắc nhà Vua, “Ngài có sẵn sàng phụng sự chưa?”
Khi nhà vua gật đầu, dàn đồng ca hát, phụ hoạ: “God Save the King!” Vua nói trước Tổng Giám mục Canterbury, “Tôi nguyện phụng sự vì sự thật, sử dụng quyền lực theo pháp luật. Chúa Trời ban ân sủng giúp tôi và Vương quốc!”
Các câu nói được thực hiện theo thủ tục của Anh Giáo và phản ánh truyền thống Ki Tô giáo. Thế nhưng Vua Charles III cũng phát tâm nguyện bảo vệ mọi tín ngưỡng khác ở Anh và Khối Thịnh vượng chung.
Sau khi Vua Charles đã tuyên thệ và cùng Hoàng hậu Camilla ngồi xuống ngai, dàn đồng ca hát bài “Gloria in Excelsis Deo”-Vinh danh Chúa Trời cao nhất”. Thánh lễ của Anh giáo tiếp thu nhiều bài tụng ca của Công giáo La Mã như bài này.
Sau lễ cầu nguyện, Thủ tướng Rishi Sunak (theo Ấn giáo) lên bục phát biểu, và chúc nhà vua. Điều thú vị là ông Sunak cũng trích dẫn ngôn từ của Ki Tô giáo trong diễn văn để chúc Vua Charles.



Đăng lúc 5:55
Bên trong Tu viện Westminster



Đăng lúc 5:48
Chồng cũ của Vương hậu Camilla có mặt tại Lễ Đăng quang
BBC News vừa chiếu hình cựu Chuẩn tướng Andrew Parker Bowles, chồng cũ của Vương hậu Camilla, dẫn các con của họ vào Tu viện Westminster dự lễ, với lời bình luận rằng chuyện như thế này thời trước khó xảy ra.
Nhưng nay, hai gia đình quen biết, giao lưu với nhau bình thường.
Sau khi ông Andrew và bà Camilla ly hôn, bà cưới Thái tử Charles năm 2005.
Một năm sau, tướng Parker Bowles tái hôn với bà Rosemary Dickinson.
Đăng lúc 5:43
Đội kỵ binh trong lễ rước gồm những ai?



Đám đông hò reo trên đại lộ The Mall



Đám đông đứng xem diễu hành trên đại lộ The Mall reo hò khi nhìn thấy Nhà vua và Vương hậu Camilla.



Đăng lúc 5:25
Cỗ xe ngựa Diamond Jubilee State Coach đã đến Cung điện Buckingham



Khác với truyền thống, Vua Charles và Hoàng hậu Camilla ngồi trong cỗ xe Diamond Jubilee Coach đến Tu viện Westminster thay vì cỗ xe Gold State Coach cũ hơn, ít tiện nghi hơn.
Theo ghi nhận của BBC, cỗ xe ngựa Diamond Jubilee State Coach được hộ tống bởi Đội kỵ binh đã đến Cung điện Buckingham.



Đăng lúc 5:13
Khung cảnh lộng lẫy bên trong Tu viện Westminster
Chúng tôi vừa có bức ảnh tuyệt đẹp này từ bên trong Tu viện Westminster. Hãy xem:



Đăng lúc 5:09
Chùm ảnh: Những khách mời nổi tiếng tiến vào Tu viện Westminster
Dòng người vẫn đang đổ về nơi diễn ra buổi lễ long trọng - hãy cùng xem những bức ảnh mới nhất mà chúng tôi nhận được:



Ca sĩ Katy Perry, người sẽ biểu diễn tại buổi hòa nhạc đăng quang ngày mai đến cùng biên tập viên của tạp chí Vogue, Edward Enninful


Diễn viên Joanna Lumley tạo dáng bên ngoài Tu viện



Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace và Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đến cùng nhau



Đức Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby chào đón quan khách



Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska

Đăng lúc 4:58
Trời bắt đầu mưa
Marie Jackson - Tường thuật từ Tu viện Westminster



Đúng như dự báo thời tiết, trời bắt đầu mưa, đường phố ẩm ướt và tất cả các nhiếp ảnh gia đang khom lưng dưới những chiếc ô lớn để chụp ảnh. Các phóng viên đang hát: Here Comes the Rain (Và cơn mưa tới).
Tôi đang tưởng tượng Nhà vua đang huýt sáo bài Don't Rain on my Parade (Đừng mưa trong Lễ diễu hành của tôi) của Barbra Streisand.
Đăng lúc 4:40
Ai sẽ xuất hiện trên ban công Cung điện Buckingham?



Các thành viên Hoàng gia Anh trên ban công cung điện Buckingham tại Lễ Đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth IIImage caption: Các thành viên Hoàng gia Anh trên ban công cung điện Buckingham tại Lễ Đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II
Sau khi Vua Charles và Vương hậu Camilla đăng quang, họ sẽ quay trở lại Cung điện Buckingham trên cỗ xe ngựa Gold State Coach.
Khi đến đó, họ sẽ được chào đón bởi quân đội, sau đó chứng kiến một nghi lễ phi cơ bay biểu diễn từ ban công với các thành viên hoàng gia khác.
Nhưng ai sẽ có mặt trên ban công đó?
Hoàng tử Harry, người đã từ bỏ cuộc sống hoàng gia vào năm 2020 và Hoàng tử Andrew, người đã bị tước bỏ quyền lợi hoàng gia vì tình bạn với nhà tài chính quá cố Mỹ Jeffrey Epstein, và cáo buộc phạm tội ấu dâm không đảm nhận vai trò nào trong sự kiện.
Nhưng liệu họ sẽ xuất hiện trên ban công nổi tiếng cùng với các thành viên còn lại của gia đình? Chúng ta sẽ phải chờ xem.
Đăng lúc 4:27
Những hình ảnh đầu tiên của Vua Charles trong sáng đăng quang
Đây là những hình ảnh đầu tiên của Vua Charles III trước Lễ Đăng quang của mình.



Ông được nhìn thấy ngồi trong một chiếc ô tô trước buổi lễ một thời gian ngắn.



Đăng lúc 4:14
Chùm ảnh: Biểu tình chống chế độ quân chủ ở London
Như chúng tôi đã đưa tin, những người biểu tình chống chế độ quân chủ biểu tình đã có mặt trung tâm London sáng nay. Dưới đây là một số hình ảnh mà BBC ghi nhận:











Đăng lúc 3:59
Thủ tướng Rishi Sunak: “Một kỷ nguyên mới được ra đời”



Thủ tướng Rishi Sunak nói rằng hôm nay là thời khắc của "niềm tự hào dân tộc phi thường" và là "minh chứng sống động về sự hiện đại của đất nước chúng tôi".
Ông Sunak viết trên Twitter: "Không một quốc gia nào khác có thể có một màn trình diễn long trọng như vậy. Nhưng đó không chỉ là một buổi lễ. Đó là một biểu tượng đáng tự hào về lịch sử, văn hóa và truyền thống của chúng tôi."
Thủ tướng Anh cũng mô tả ngày hôm nay là một "nghi lễ được chuẩn bị mà qua đó một kỷ nguyên mới ra đời", kết thúc thông điệp của mình bằng cụm từ cũng là tên của quốc ca Anh: "God Save The King" (Chúa phù hộ Quốc vương).

Đăng lúc 3:41
Hoàng tử Harry dự Lễ Đăng quang, nhưng Meghan thì không



Tháng trước, chúng ta đã biết rằng Hoàng tử Harry, Công tước xứ Sussex, sẽ có mặt để chứng kiến cha mình đăng quang - nhưng vợ của anh là Meghan sẽ ở lại California.
Thông báo của Cung điện Buckingham sau nhiều tháng suy đoán về việc liệu Harry có tham dự buổi lễ trọng đại hay không sau khi xuất bản cuốn hồi ký gây chấn động của mình, trong đó nhấn mạnh những rạn nứt của anh với các thành viên hoàng gia khác.
Sean Coughlan, phóng viên chuyên về hoàng gia của BBC viết rằng sự từ chối của Meghan sẽ được coi là một phần của những căng thẳng gia đình đang tiếp diễn và chưa được giải quyết. Bản thân cặp đôi cũng như Cung điện Buckingham đều không bình luận về quyết định này.
Cuốn sách của Harry, có tựa đề Spare có câu chuyện kể về cuộc xung đột với anh trai là Hoàng tử William, người với tư cách là Hoàng tử xứ Wales, có khả năng sẽ có một vai trò chủ chốt trong Lễ Đăng quang.
Đăng lúc 3:25
Lễ Đăng quang bắt đầu như thế nào?
Theo kế hoạch, buổi lễ chính thức bắt đầu bằng đám rước từ Cung điện Buckingham đến Tu viện Westminster. Các điểm đứng ngắm đám rước dọc theo tuyến đường mở cửa lúc 06:00 giờ Anh.



Dân chúng có thể tuỳ nghi chọn chỗ đón xem tại các địa điểm dọc theo đại lộ The Mall và Whitehall. Một khi những địa điểm này kín chỗ, người tới sau sẽ được hướng dẫn đến các địa điểm đặt màn hình lớn chính thức ở Hyde Park, Green Park và St James's Park để theo dõi truyền hình trực tiếp.
Đoàn diễu hành sẽ bắt đầu từ Cung điện Buckingham, di chuyển dọc theo đại lộ The Mall đến Quảng trường Trafalgar, sau đó xuống Whitehall và Phố Westminster trước khi rẽ vào Quảng trường Quốc hội và Broad Sanctuary để đến đại môn phía tây Great West Door của Tu viện Westminster.
Khác với truyền thống, Vua Charles và Hoàng hậu Camilla sẽ ngồi trong cỗ xe Diamond Jubilee Coach thay vì cỗ xe Gold State Coach cũ hơn, ít tiện nghi hơn.



Đăng lúc 3:12
Những vị khách đầu tiên đến Tu viện Westminster



Các cánh cửa đã mở ra và chúng tôi đang thấy những vị khách đầu tiên tiến vào.
Đó chủ yếu là những thành viên của Thượng viện (House of Lords). Một nhóm khoảng 20 người vừa tiến vào Tu viện Westminster.
Trong số đó có Lord Mandelson và Nam tước Louise Casey, trong trang phục áo choàng đỏ truyền thống.
Những vị khách khác thì mặc nhiều trang phục long trọng với các món phụ kiện như nón, giày cao gót, một số người quay phim lại sự kiện khi họ tiến vào, tất cả đều trông rất vui vẻ.
Chúng tôi cũng nhìn thấy một vài người đeo huy chương quân đội.



Siết chặt an ninh cho Lễ Đăng quang của Vua Charles III
Để bảo đảm an ninh cho sự kiện quy tụ nhiều lãnh đạo thế giới, khoảng 11.500 cảnh sát đã được triển khai.
Trong số đó hơn 9.000 cảnh sát dự kiến tuần tra thủ đô London vào ngày đăng quang, bên cạnh 2.500 chuyên gia từ các lĩnh vực khác, như bảo vệ phạm vi gần, xử lý chất nổ hay vũ khí.
Đây cũng là đợt triển khai lực lượng trong một ngày lớn nhất từ trước đến nay.
Các nhóm chống chế độ quân chủ đã bảo vệ quyền được biểu tình của họ, nhưng cảnh sát đã cảnh báo rằng "sự khoan dung đối với bất kỳ sự gián đoạn nào, dù là thông qua biểu tình hay cách khác, sẽ rất ít".
Cơ quan Tình báo Nội địa (MI5), Cơ quan Tình báo Hải ngoại (MI6) và Cơ quan Tình báo Tín hiệu Anh (GCHQ) cũng tham gia vào công tác bảo vệ sự kiện, chịu trách nhiệm phát hiện mọi mối đe dọa, kể cả từ nước ngoài.



Đăng lúc 2:51
Nhóm biểu tình chống chế độ quân chủ có mặt ở trung tâm London
Tất nhiên, không chỉ những người ủng hộ hoàng gia tập trung để chứng kiến sự kiện lịch sử ngày hôm nay - một nhóm nhỏ những người phản đối cũng đang có mặt tại Quảng trường Trafalgar.
Republic, nhóm vận động bãi bỏ chế độ quân chủ, cho biết họ hy vọng sẽ có tới 1.500 người ủng hộ ở đây hôm nay.



Đăng lúc 2:18
Chùm ảnh: Người dân xếp hàng chứng kiến Lễ Đăng quang lịch sử
Bất chấp dự báo về thời tiết có mưa, nhiều người dân Anh từ sáng sớm đã bắt đầu tập trung trên tuyến đường diễu hành của Lễ Đăng quang.
Hàng trăm người đứng bên ngoài Cung điện Buckingham, hy vọng sẽ được trông thấy Lễ rước của Vua Charles.
Nhiều người khác cắm trại qua đêm trên đại lộ The Mall với hi vọng có được chỗ đứng gần nhất - dưới đây là một số hình ảnh mới nhất.











Đăng lúc 1:51
Chủ tịch nước Việt Nam dự Lễ Đăng quang của Vua Charles III tại London
Chủ tịch nước Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng là một trong số 2.300 khách mời dự lễ Đăng quang của Vua Charles III tại London.
Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội thông báo về sự kiện này:
"Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973."
Phía Anh nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu ở khu vực, nhất là khi Anh đang đẩy mạnh triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hai bên khẳng định sẽ mở rộng và làm sâu sắc quan hệ trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như an ninh - quốc phòng, kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo.



Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Ngoại giao Anh James CleverlyImage caption: Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly

Đăng lúc 1:39
Ai tham dự lễ đăng quang của Vua Anh Charles III?
Trong bối cảnh Vương quốc Anh đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với giá lương thực và năng lượng tăng vọt, Vua Charles muốn Lễ Đăng quang của mình "ít tốn kém" hơn.
Dàn khách mời sẽ bao gồm 2.300 nhân vật, gồm các quan chức chính phủ, nguyên thủ quốc gia, những người nổi tiếng và các nhân vật đặc biệt khác... Con số này ít hơn hẳn so với hơn 8.200 khách tham dự Lễ Đăng quang của mẹ ông - của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1953.
Tổng Giám mục Canterbury, Justin Welby, sẽ chủ trì buổi lễ, với các khách mời từ Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden, đến Tổng thống Macron của Pháp và các nghệ sĩ Ant và Dec nổi tiếng của Anh.
Olena Zelenska, phu nhân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã gặp Catherine, Công nương xứ Wales tại tiệc chiêu đãi trước Lễ Đăng quang tại Cung điện Buckingham ngày 5/5.
Vua Charles trong những bức ảnh được chụp đã chào đón Đệ nhất phu nhân Ukraine và chào Công nương Đan Mạch Mary bằng một cái bắt tay và nụ hôn trên má.



Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden, Công nương xứ Wales và Olena Zelenska, Đệ nhất phu nhân Ukraine tại tiệc chiêu đãi trước Lễ Đăng quang

Đăng lúc 1:25
Các vật phẩm biểu tượng cho vương quyền
Theo trang web của Hoàng gia Anh, Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu duy nhất vẫn sử dụng các vật phẩm biểu tượng cho vương quyền - trong đó có gồm vương miện, vương cầu và quyền trượng - trong lễ đăng quang.
Từng món đồ tượng trưng cho các khía cạnh khác nhau về sứ mệnh và trách nhiệm của nhà vua.
Charles sẽ được trao các vật phẩm lần lượt vào những thời điểm quan trọng khác nhau trong buổi lễ.











----------