Phải chăng thủ phạm vụ drone tấn công điện Kremlin lại chính là Nga?
Tác giả : Trọng Nghĩa Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-05-05


Một bảng hiệu "cấm drone" được treo ở gần Quảng trường Đỏ, Matxcơva, Nga, ngày 03/05/2023. AP - Alexander Zemlianichenko
Các tờ báo lớn ra tại Pháp ngày hôm nay 05/05/2023 hầu như đều dành tựa lớn trang nhất cho các chủ đề thời sự Pháp, ngoại trừ La Croix tập trung trên lễ đăng quang của quốc vương Anh Charles III, hay Les Echos nói về vấn đề trí tuệ nhân tạo. Cho dù vậy, các diễn biến liên quan đến cuộc chiến Ukraina vẫn là đề tài rất được quan tâm, đặc biệt là các nghi vấn chung quanh vụ Nga cáo buộc Ukraina dùng drone mưu sát Putin.
Trên trang nhất của mình, dưới hàng tựa nhỏ “Tấn công hay thao túng: Các nghi vấn về các vụ nổ trên điện Kremlin”, Le Figaro ghi nhận là tác giả vụ tấn công kép bằng drone bay đêm mồng 2, rạng sáng mồng 3 tháng Năm nhằm vào điện Kremlin ở Matxcơva vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Tuy nhiên, điều được tờ báo nhấn mạnh là giả thuyết về một mánh khóe thao túng của Nga, “đội lốt” Ukraina để hành sự rồi vin vào đó để tung ra các cuộc trả đũa đánh vào Kiev đang khiến cho nhiều chính quyền phương Tây lo lắng.
Le Figaro: Nhiều giả thuyết về vụ tấn công vào điện Kremlin
Trong bài giải mã bên trong mang tựa đề “Các câu hỏi về vụ drone nổ trên điện Kremlin”, Le Figaro nhận định rằng vụ hai chiếc drone “tấn công” vào điện Kremlin là một giai đoạn mới trong cuộc chiến phức hợp giữa Ukraina và Nga, với những ngón đòn mà bên tung ra cố giữ trong tình trạng mập mờ.
Đối với Le Figaro, liên quan đến vụ drone tấn công vào điện Kremlin ở Matxcơva, để làm sáng tỏ sự cố này, cần phải phân tích các mảnh vỡ, xác định tầm hoạt động của thiết bị để biết nơi drone có thể cất cánh, thu thập thông tin tình báo để xác định kẻ điều khiển là ai… Điều này đòi hỏi một cuộc điều tra, và trong bối cảnh không có bằng chứng, bên nào cũng có thể buộc tội bên kia hoặc phủ nhận trách nhiệm.
Ukraina tuyên bố mình không phải là tác giả của vụ việc. Dù cuộc tấn công bộc lộ sự yếu kém trong hệ thống phòng không của Nga, và là một sự kiện có thể làm Matxcơva mất mặt, nhưng hành động tấn công điện Kremlin có nguy cơ phá vỡ kế hoạch phản công mà Ukraina đang chuẩn bị và khiến phương Tây khó chịu.
Các đối thủ trong nước của Vladimir Putin, không liên quan đến chính quyền Ukraina, cũng có thể là thủ phạm, nhưng điều đó có nghĩa là họ đã thoát khỏi sự giám sát của các cơ quan mật vụ Nga, hoặc là đã được các cơ quan này nhắm mắt làm ngơ để có thể lợi dụng một cuộc tấn công với thiệt hại hạn chế.
Chính Nga là tác giả?
Rốt cuộc, theo Le Figaro, chính điện Kremlin có thể là tác giả dàn dựng cuộc tấn công, lợi dụng sự kiện này để gây nghi ngờ trong nội bộ phương Tây, động viên dư luận của chính mình hoặc thậm chí leo thang xung đột. Trong một bài viết trên trang mạng báo The Atlantic, nhà phân tích Tom Nichols cho rằng: "Nga đang sợ chiến dịch sắp diễn ra và họ muốn thay đổi tình thế ở trong và ngoài nước".
Theo Le Figaro, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh ISW của Mỹ đã lưu ý rằng Nga đã từng sử dụng thủ đoạn gọi là “đội lốt” hay “ném đá giấu tay” trong quá khứ để biện minh cho một số hành động nhất định. Trung Tâm Kháng Chiến Ukraina, một tổ chức phụ thuộc vào các lực lượng đặc biệt, đã khẳng định hôm qua rằng các binh sĩ Nga đã nhận được "quân phục Ukraina" để thực hiện các hành động khủng bố giả ở khu vực Kursk và Bryansk. Tại Moldova, các phương tiện truyền thông thân Nga đang lan truyền tin đồn về sự xâm nhập của Ukraina vào Transnistria từ ngày 9 tháng Năm…
Le Monde và ba điểm bất thường trong vụ nổ trên điện Kremlin
Ngay trên trang nhất của mình, trong một hàng tựa nhỏ, Le Monde nói đến: “Những vụ nổ bí ẩn bên trên điện Kremlin”. Tờ báo nêu bật: “Matxcơva khẳng định đã bắn hạ 2 chiếc drone Ukraina nhắm vào trung tâm quyền lực của Nga, Kiev phủ nhận mọi liên can”.
Trong bài “Matxcơva tố cáo Kiev là đã tấn công điện Kremlin”, Le Monde nêu bật nhiều yếu tố bất thường liên quan đến vụ nổ, đặc biệt là lời khẳng định của chính quyền Nga theo đó Ukraina đã “mưu toan ám sát” tổng thống Putin.
Tờ báo Pháp trước hết ghi nhận việc Matxcơva rầm rộ tung tin về vụ tấn công, trái ngược hẳn với thông lệ thường thấy là che giấu sự thật khi nhược điểm hay sai sót của mình bị phơi bày, như trong vụ soái hạm Moskva bị phá hủy vào tháng 4 năm 2022 chẳng hạn. Lần này, điện Kremlin đã nhanh chóng đề cập đến một “cuộc tấn công khủng bố” và một “âm mưu ám sát tổng thống”, cho biết là một cuộc điều tra đã chính thức được mở về tội khủng bố “liên quan đến nỗ lực tấn công nơi ở của tổng thống Nga ở điện Kremlin”.
Yếu tố bất thường thứ hai là phản ứng của Ukraina, với việc Kiev nhanh chóng đưa ra những lời phủ nhận kiên quyết, trái ngược hẳn với các phản ứng mập mờ thường được sử dụng trước đây, khi bị tố cáo tấn công vào lãnh thổ Nga.
Theo Le Monde, phản ứng bất thường của Kiev cũng dễ hiểu vì những vụ tấn công trực tiếp vào các nhà lãnh đạo cho đến nay vẫn là một lằn ranh đỏ. Nếu tổng thống Ukraina Zelensky từng khẳng định rằng ông đã thoát khỏi một số vụ ám sát trong những tuần lễ đầu tiên của cuộc xâm lược, thì cho đến giờ các cơ quan đầu não của Ukraina như phủ tổng thống hoặc trụ sở quốc hội vẫn chưa phải hứng chịu các cuộc oanh kích.
Yếu tố bất thường thứ ba, theo Le Monde, là phản ứng quá kém của hệ thống phòng không Nga, trên nguyên tắc phải rất hùng hậu, tối tân và hiệu quả trong việc bảo vệ thủ đô Nga. Sự kiện các chiếc drone lặng lẽ đi dọc theo trục đường huyết mạch chính của Matxcơva là Tverskaya để đến điện Kremlin mà không bị phát hiện rõ ràng là một sự sỉ nhục đối với Quân Đội Nga.
Le Monde tự hỏi: Phải chăng vì vậy mà khi đề cập đến vụ tấn công, các kênh truyền hình lớn tại Nga đã hạn chế việc chiếu hình ảnh của các vụ nổ.
Mỹ cũng bị Nga tố cáo!
Ngoài Ukraina, Nga cũng lớn tiếng tố cáo Mỹ về vụ tấn công điện Kremlin, điều đã bị Washington bác bỏ.
Theo Le Figaro, phát ngôn viên của tổng thống Nga Dmitry Peskov hôm qua, thứ Năm 04/05 đã đoan chắc rằng Hoa Kỳ đứng sau chiến dịch tấn công vào điện Kremlin. Nhân vật này khẳng định: “Quyết định về các cuộc tấn công như vậy không được đưa ra ở Kiev, mà ở Washington”.
Nhà Trắng đã lập tức bác bỏ lời tố cáo của điện Kremlin, nhắc lại rằng Mỹ đã từng nói rõ với Ukraina là Washington “không khuyến khích hoặc góp phần vào các cuộc tấn công bên ngoài lãnh thổ Ukraina”.
Về phần mình, tướng Milley, tổng tham mưu trưởng lực lượng võ trang Hoa Kỳ cũng từng xác định rằng “Nga không muốn chiến tranh với NATO hoặc Hoa Kỳ, và NATO và Hoa Kỳ không muốn chiến tranh với Nga… Ukraina chắc chắn cũng không muốn một cuộc chiến tranh quy mô trên lãnh thổ của mình”.
Trong bài “Xung đột ở Ukraine leo thang”, báo Les Echos cũng ghi nhận việc Matxcơva cáo buộc Washington là chủ mưu của cuộc tấn công vào Điện Kremlin. Tuy nhiên, nhật báo kinh tế Pháp thấy rằng Nga không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho cáo buộc của mình. Nga cũng tuyên bố sẵn sàng “trả đũa”, nhưng lại không nêu rõ cách thức như thế nào hay đối tượng trả đũa là ai.
Ukraina đã bắt đầu bước “bày binh bố trận” để phản công
Cũng liên quan đến tình hình Ukraina, các báo tiếp tục chú ý đến cuộc phản công ngày càng được cho là sắp diễn ra của lực lượng Kiev nhằm đánh bật quân Nga khỏi các vùng mà họ đã tạm chiếm.
Trong bài phân tich mang tựa “Các vụ tấn công trên lãnh thổ Nga: Chiến dịch phản công của Ukraina đang hình thành như thế nào”, Libération ghi nhận là trong vài ngày qua, càng lúc càng có nhiều cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga, ở vùng giáp giới Ukraina và Crimée, đến mức mà bộ Ngoại Giao Nga hôm qua đã phải công nhận rằng “các hoạt động khủng bố và phá hoại” đang diễn ra ở “quy mô chưa từng có”.
Đối với Điện Kremlin, tác giả của những hành vi này hiển nhiên là Ukraina, còn về phần mình, Kiev như thường lệ, đã không nhận mình là tác giả của bất kỳ hành động nào.
Cho dù vậy, các chuyên gia phân tích được Libération trích dẫn đều cho rằng các cuộc tấn công gần đây trên lãnh thổ Nga là dấu hiệu báo trước cuộc phản công của Ukraina, với giai đoạn chuẩn bị, coi như đã hoàn thành, trong lúc giai đoạn kế tiếp là “bày binh bố trận” có thể là đã bắt đầu được tiến hành.
Theo sử gia quân sự Michel Goya, hiện nay rất khó để nói liệu chiến dịch đã bước vào giai đoạn “định hình” (thuật ngữ tiếng Anh là shaping) tức là bày binh bố trận hay chưa, và phải quan sát thêm các động thái của quân đội Ukraina mới có thể khẳng định điều này.
Điều đó cũng không chắc chắn đối với Stéphane Audrand, chuyên gia tư vấn về rủi ro quốc tế, vốn đã cho rằng cuộc phản công của Ukraina đã bắt đầu giai đoạn “định hình”. Theo chuyên gia này, việc đưa pháo Himars chính xác của Mỹ trở lại chiến trường "giúp nó có thể bắn xa hơn vào lãnh thổ Nga", là một trong những dấu hiệu chứng tỏ cuộc phản công đã bước vào giai đoạn bày binh bố trận.
-----------
Tổng thống Ukraina muốn Vladimir Putin bị xét xử tại tòa La Haye
Tác giả : Phan Minh Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-05-05


Ảnh minh họa : Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống Nga Vladimir Putin. © DR
Phát biểu tại La Haye, Hà Lan vào hôm qua 04/05/2023, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky mong muốn nguyên thủ Nga Vladimir Putin phải bị đưa ra xét xử sau khi ra lệnh xâm lược Ukraina. Ông Zelensky kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt xét xử "tội ác xâm lược".
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu trong cuộc họp báo tại La Haye, tổng thống Ukraina cho rằng cần thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để cho thấy rằng những người này (Putin và cộng sự) không phải là đứng trên pháp luật, bất khả xâm phạm. Ông Zelensky cũng nhấn mạnh rằng bản thân cuộc xâm lược Ukraina của Nga phải được coi là "tội ác ở mức cao nhất".
Tuy nhiên, những tuyên bố này của ông Zelensky chủ yếu mang tính biểu tượng, bởi mặc dù có một số quốc gia trên thế giới, như các nước thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU) hay Hoa Kỳ, ủng hộ thành lập một tòa án như trên, song có rất ít khả năng Matxcơva sẽ công nhận và tham gia cơ quan xét xử này.
Vào tháng 3, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) đã ban hành lệnh truy nã tổng thống Putin với tội danh cưỡng bức trẻ em Ukraina tại những nơi Nga chiếm đóng và kiểm soát, đưa sang Nga, một hành động được khép vào tội ác chiến tranh. Nhưng CPI không có thẩm quyền xét xử bất kỳ tội ác xâm lược nào ở Ukraina khi Nga không phải là thành viên của CPI và bác bỏ quyền tài phán của tòa án này.
----------