Khi gà Gaulois gáy
Tác giả : Nguyễn Thị Cỏ May Nguồn: Việt Báo Ngày đăng: 2023-05-04
Macron & Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.
Biểu tượng của nước Đức là « chim ưng », của Anh là « sư tử », của Tây ban nha là con « bò mộng » (bò đực không bị thiến), của Pháp là con « gà trống » (cũng không bị thiến vì còn gáy). Nhưng tại sao lại con « gà trống » đại diện cho Pháp? Nó có nguồn gốc từ xa xưa. Thời đó, người La Mã thường nhạo báng người « Gaulois » vì chữ gaulois do chữ Latin là « gallus», mà gallus cũng có nghĩa là con « gà trống ».
Theo thời gian, vua Pháp cũng chọn con gà trống làm biểu tượng quốc gia vì tánh can đảm và sự dũng cảm của nó. Trong Cách mạng Pháp 1789, nó trở thành biểu tượng của dân chúng và nhà nước. Nó bắt đầu xuất hiện trên đồng tiền vàng. Tới Napoléon, ông lại chọn chim ưng làm biểu tượng nhưng chỉ được một thời gian mà thôi. Ngày nay, con gà trống gaulois của Tây nhan nhản ở khắp nơi: trên tem thơ, ở cổng vào Điện Elysée.



Từ năm 1909, nó là biểu tượng của các đội thể thao Pháp. Không chỉ là hình ảnh trên y phục, mà đội thể thao còn mang con gà trống thiệt, biết gáy, đi theo ra nước ngoài mỗi kỳ tham dự thể thao. Khi thắng, ẵm con gà trống đưa lên cao cho nó gáy. Khi thua, bỏ nó vào va-li, lặng lẽ mang về. Như kỳ đá banh thua Nhựt cách đây vài năm, sửa soạn bỏ nó vào va-li xách về thì nó lại ngẩng cổ lên gáy. Anh cầu thủ phải ấn cổ của nó xuống, nhét vội vào giỏ!
Ông Tổng thống Macron sụp bẫy Xi?
Macron qua thăm viếng chánh thức nước Tàu. Ông mời bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy hội Âu châu, tháp tùng theo để cho Xi và mọi người thấy lập trường của Âu châu là thống nhứt. Ngày hôm trước, bà đọc một bài diễn văn trước Âu châu bày tỏ quan điểm Âu châu là không khoan nhượng đối với các chế độ độc tài hung hăng như Nga và Tàu. Ông Macron có ý gặp Xi nói chuyện về Ukraine, yêu cầu Xi can thiệp với Putin cho một giải pháp sớm chấm dứt cuộc chiến quá tàn khốc cho cả hai bên. Ông vẫn theo đuổi vai trò hòa giải tuy ông đã nói chuyện với Putin 14 lần đều thất bại. Nay muốn nói chuyện với Xi nhưng bị Xi đề cập vấn đề Đài Loan khi chỉ tiếp riêng ông trong một tiệc trà do 2 cô xẩm trẻ đẹp hầu.
Không biết có phải vì trà ngon và hai cô xẩm hầu trà quá xinh đẹp đã làm ông Tổng thống Macron vội quên lập trường chung của Âu châu và ý riêng của ông là thuyết phục Xi khuyên Putin rút quân đội về, trả lại đất đai nguyên vẹn của Ukraine cho Ukraine, mà lại bọc theo Xi về vấn đề Đài Loan và ông đã tuyên bố « Đài loan không phải là vấn đề của Âu châu và Âu châu không nên đi theo hướng của Hoa Kỳ ». Lời tuyên bố của ông thật sự làm hài lòng Xi và lập tức làm cho Âu châu và cả thế giới phản đối kịch liệt. Hôm sau, ông qua Amsterdam, Hòa Lan, đọc diễn văn về xây dựng kinh tế Âu châu, bị sinh viên và dân chúng Hòa Lan la ó phản đối làm cho ông đã phải ngưng ngang.
Ông Macron có làm hài lòng Xi phải chăng vì ông muốn tách Pháp và Âu châu ra khỏi thế tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Tàu-Nga? Ông đề nghị Âu châu làm khối thứ ba? Bỗng chốc ông cảm thấy ông là hiện thân De Gaulle.
De Gaulle nhập vào Macron?
Thật đúng vậy, khi Macron tuyên bố « không nên bám theo Hoa Kỳ » là hoàn toàn bắt chước De Gaulle xác nhận thế độc lập của Tây. Nhưng về cử chỉ thì không thể De Gaulle được vì con người Macron nhỏ bé, tay ngắn, tiếng nói hơi « the thé » trong lúc De Gaulle cao lớn, tay dài, đưa lên khỏi đầu, dang rộng ra, tiếng nói lớn ồ ề. Hơn nữa De Gaulle có bề dày chánh trị khá bề thế, cho tới nay vẫn chưa có ai (trong chánh giới Pháp) qua mặt được.
Trên máy bay về Paris, Macron còn lặp lại với 2 nhà báo tháp tùng theo đoàn « Điều tệ hại hơn hết là chúng ta, người Âu châu, sẽ phải đi theo và thích ứng theo chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ ». Như muốn không biết Xi đang hăm dọa Đài Loan bằng quân sự và Hoa Kỳ, Ba Lan, Tiệp, Đức... đang ủng hộ Ukraine, tức cả Âu châu, Macron còn cố ý khiêu khích « Tại sao chúng ta sẽ phải đi theo đúng nhịp với kẻ khác chớ? »
Năm 1966, ở Nam Vang, De Gaulle tuyên bố lập trường của Pháp không theo người bạn đồng minh Hoa Kỳ nữa, tuy trong Thế chiến II đã giúp giải phóng nước Pháp khỏi áp lực Đức Quốc Xã, để De Gaulle từ London trở về làm anh hùng giải phóng dân tộc. Ông chọn con đường thứ ba cho chánh trị đối ngoại. Qua năm sau, De Gaulle qua Québec kêu gọi « Québec tự do, Québec của người Québec ».
Dĩ nhiên Macron đã đọc De Gaulle và thích lời tuyên bố của De Gaulle nên đã biến mình làm De Gaulle với Xi. Nhưng sau khi De Gaulle phùng xòe tuyên bố ở Nam Vang, ở Québec, các Thủ tướng của ông đã phê bình. Ông Giscard d'Estaing: « Làm chánh trị cô đơn », « Lão già khùng ». Alain Peyrefitte trong cuốn « Đó là De Gaulle » (Gallimard): « Tất cả điều đó có thể đem tới cho chúng ta được gì đây? Chỉ những phiền phức? Nhưng De Gaulle lại nghĩ mình đang đẩy lịch sử tiến tới mạnh ». Riêng Thủ tướng Pompidou: « Ông ấy như một đứa con nít trốn người lớn chơi với diêm quẹt ».
Lời phê phán của Thủ tướng Pompidou về De Gaulle ngày nay được nhà báo Christine Leclerc (Le Point, 12/04/23) lặp lại để nhận xét ông Tổng thống Macron tuyên bố về Tàu và Đài Loan.
Dĩ nhiên khi tuyên bố chống Hoa Kỳ, muốn làm khối thứ ba, Macron vẫn biết mình không phải là ông Tổng thống của một nước Pháp thực dân, mà ông muốn làm người chỉ đường đi và đồng minh của các nước Á châu, Phi châu và Nam Mỹ. Những nước này hãy còn hoan nghênh một nước Pháp, quê hương của Tự do và lên án chiến tranh Mỹ ở Việt Nam.
Năm 1964, De Gaulle nhìn nhận nước Tàu của Mao, gởi ông Malraux qua thăm viếng chánh thức trước Tây phương. Ông còn mơ tạo một « lực lượng thứ ba » giữa Nga và Hoa Kỳ. Có người nói chánh trị của Pháp thường « thọc gậy bánh xe ». Nhưng về tâm lý, thông thường xưa nay, chẳng có mấy ai thương chủ nợ. Hoa Kỳ và đồng minh giải phóng nước Pháp xong, hợp Yalta phân chia thế giới, De Gaulle không được tham dự nên hận Hoa Kỳ mà chơi với Mao và Stalin cho Hoa Kỳ biết mặt.
Dàn nhạc xoong chảo
Sau một năm của nhiệm kỳ II, bảng tổng kết thành quả của ông Tổng thống Macron là con số « không » khá to tướng (theo AFP). Ông đi thăm dân cho biết sự tình, tới đâu cũng đều bị la ó. Hôm 17/04, ông đọc một bài diễn văn trên TV lúc 20 giờ, giờ đông khán giả xem, để làm êm dịu dân chúng chống đối từ chánh trị đối ngoại tới chuyện nội bộ. Nhưng không như ý muốn, trái lại, cả nước Pháp, như tự động, đồng loạt dân chúng chỉ chờ ông Macron đọc xong, là từng đoàn, ít nhứt có 300 đoàn hay 300 dàn nhạc, túa ra đường, tay cầm xoong chảo, cùng đánh lên vừa la ó những khẩu hiệu chống đối quyết liệt ông Tổng thống Macron, thậm chí đòi ông đi xuống cho dân nhờ.


Dàn nhạc xoong chảo của dân Pháp phản đối Macron.
Những dàn nhạc xoong chảo này có từ lâu lắm nay mới xuất hiện lại, có lẽ, là lần đầu tiên trong lịch sử chánh trị thời hiện đại của Pháp. Phải từ thời vua Louis Philippe bị phía Cộng Hòa chống đối, đánh xoong chảo và nhiều dụng cụ nhà bếp khác. Nhưng phong trào này lại có lịch sử từ thời Trung cổ, theo sử gia Emmanuel Fureix. Đó là phong trào quần chúng bình dân. Họ cùng ra đường, tay cầm xoong chảo, phèng la, còi, đánh lên, thổi lên để phản đối một đám cưới không môn đăng hộ đối. Vào thời mà cử tri một quốc gia không quá 200 000, xoong chảo trở thành phương tiện phát biểu hữu hiệu hơn hết. Một phương tiện để kiểm soát những người đại diện dân. Dàn nhạc xoong chảo ảnh hưởng rất mau lẹ trong gần đây qua nhiều nước ở Nam Mỹ, Islande và Canada. Ở Chili, vào đầu năm 1970, nhóm dân chúng chống Salvador Allendé sử dụng xoong chảo đánh lên. Giới khá giả cũng đánh xoong chảo phản đối sưu thuế cao. Cùng thứ nhạc điệu đó trỗi lên ở những khu dân cư nghèo vào năm 1980 để chống lại Tướng Pinochet. Năm 2008, khi ngân hàng ở Islande phá sản, dân chúng đua nhau, tay cầm xoong chảo kéo tới trước Quốc hội làm cuộc « cách mạng xoong chảo ». Ở Québec, sinh viên đánh xoong chảo biểu tình phản đối tiền học tăng vọt.
Ở Việt nam, vào cuối những năm 50, tối đến, ở nhiều vùng quê, dân chúng bị Việt Cộng ở lại sau năm 54 xúi dục, và cả Việt Cộng, cầm xoong chảo đánh rùm beng phản đối chánh quyền Ngô Đình Diệm kêu gọi trả lại kháng chiến thật sự cho người kháng chiến vì yêu nước, không cộng sản, nhưng lại lợi dụng, qua tờ Truyền thống Kháng chiến, bắt tất cả ai xuất hiện mà không phân biệt thứ thiệt thứ giả. Phong trào xoong chảo này kéo dài không lâu vì sau đó họ tập họp lại và bắt đầu khủng bố, phá hoại. Hà Nội dĩ nhiên không bỏ qua cơ hội, trực tiếp liên lạc lại để chỉ huy. Tới 60 thì Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời làm chiến tranh xâm lược Miền Nam.
Nguyễn thị Cỏ May
----------