Trung Quốc tập trận mô phỏng các cuộc tấn công đánh vào "các mục tiêu chính" ở Đài Loan
Tác giả : Trọng Nghĩa Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-04-09


Các chiến đấu cơ của Trung Quốc tiếp nhiên liệu trên không tại một địa điểm không xác định, ngày 08/04/2023, sau khi Bắc Kinh tuyên bố thực hiện các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan. AP
Cuộc tập trận “bao vây toàn diện” Đài Loan do Trung Quốc khởi động hôm nay, 09/04/2023 bước sang ngày thứ hai, với các bài tập mô phỏng “các cuộc tấn công chính xác” nhắm vào “các mục tiêu chính trên đảo Đài Loan và vùng biển xung quanh”. Mang tên chính thức là “Liên Hợp Lợi Kiếm”, cuộc tập trận dự trù kéo dài 3 ngày đã được Bắc Kinh tung ra từ hôm qua nhằm phản ứng lại cuộc gặp ngày 05/04 tại California giữa tổng thống Đài Loan với chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ.
Theo hãng tin Pháp AFP, phía Trung Quốc khẳng định đã huy động một lực lượng hùng hậu bao gồm các khu trục hạm, khinh hạm cao tốc phóng tên lửa, chiến đấu cơ, phi cơ tiếp liệu và gây nhiễu cùng các đơn vị trên bộ vào cuộc tập trận.
Trong lúc đó, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết đã phát hiện 11 tàu chiến và 70 máy bay của Trung Quốc xung quanh hòn đảo
Theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, truyền thông Trung Quốc đã quảng bá rầm rộ cho các cuộc tập trận, được loan báo là sẽ còn tiếp diễn trong tuần tới :
“Bộ tư lệnh Chiến Khu Đông Bộ của Quân Đội Trung Quốc đang đồng thời tiến hành nhiều cuộc tuần tra xung quanh đảo Đài Loan, trong tư thế bao vây và răn đe tổng thể”… Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết như trên vào sáng nay kèm theo hình ảnh cho thấy binh lính trong quần áo ngụy trang phóng ra khỏi các doanh trại, cùng với đủ loại thiết bị được triển khai từ các hệ thống phòng không, các giàn tên lửa tầm xa, chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, cho đến các chiến hạm, trong đó có cả một chiếc tàu sân bay.
Dù không đề cập trực tiếp đến chuyến ghé Hoa Kỳ hôm thứ Tư 05/04 vừa qua của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, nhưng đối với Trung Quốc, đây là các biện pháp răn đe, trả đũa nhằm gởi đị một lời “cảnh báo cứng rắn” đến chính phủ Đài Loan.
Chiến dịch mang tên “Liên Hợp Lợi Kiếm” ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, miền đông Trung Quốc, đối diện với Đài Loan, sẽ tiếp tục cho đến thứ Hai ngày mai, với các bài tập bắn đạn thật gần đảo Bình Đàm (Pingtan).
Sau đó, các cuộc tập trận sẽ tiếp tục, lần này dưới quyền chỉ huy của bộ tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của Quân Đội Trung Quốc.”
-----------
Trung Quốc tập trận tấn công Đài Loan : Hoa Kỳ kêu gọi kiềm chế
Tác giả : Thu Hằng Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-04-09


Tàu chiến Trung Quốc trong cuộc tập trận gần Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, gần quần đảo Mã Tổ do Đài Loan kiểm soát, ngày 08/04/2023. REUTERS - THOMAS PETER
Ngay trong ngày đầu Trung Quốc huy động lực lượng tập trận sát Đài Loan, Washington đã kêu gọi Bắc Kinh « kiềm chế ». Ngày 08/04/2023, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định « các kênh liên lạc với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vẫn mở ». Cả Washington và Đài Bắc cho biết theo dõi « sát sao các hành động của Trung Quốc ».
Trước cuộc tập trận được đặt tên chính thức là « Liên Hợp Lợi Kiếm » (tiếng Anh gọi là « Joint Sword ») kéo dài 3 ngày bao vây Đài Loan nhằm cảnh cáo việc chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy tiếp tổng thống Thái Anh Văn ngày 05/04 ở Los Angeles, bộ Ngoại Giao Mỹ một mặt kêu gọi « không thay đổi nguyên trạng », mặt khác cho biết « tự tin vào việc có đủ nguồn lực ở trong vùng để bảo đảm hòa bình và ổn định ».
Về phần mình, chủ tịch Hạ Viện Mỹ viết trên Twitter rằng « không có chuyện Trung Quốc bảo tôi có thể đi đến đâu và nói chuyện với ai ».
Trong ngày tập trận thứ hai của Trung Quốc, quân đội Đài Loan cho biết « theo dõi sát tình hình », đồng thời kêu gọi « toàn bộ máy bay, tầu chiến, hệ thống tên lửa trên bộ phản ứng phù hợp ».
Về phía quân đội Trung Quốc, đại tá Thi Nghị (Shi Yi), người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông, khẳng định các cuộc tập trận « là những lời cảnh cáo nghiêm khắc chống lại sự thông đồng giữa các lực lượng ly khai tìm kiếm « độc lập cho Đài Loan » và các lực lượng bên ngoài, cũng như các hoạt động khiêu khích của họ ».
Jean Vincent Brisset, nhà nghiên cứu cộng tác với Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp (IRIS), giải thích về điểm này với đài RFI ngày 09/04 :
« Trung Quốc thị uy không chỉ ở eo biển Đài Loan mà có đến 4 vùng tập trận, nằm ở bốn góc của Đài Loan. Và dường như có một tầu sân bay cùng với đội tầu hộ tống hoạt động ở phía đông Đài Loan để sẵn sàng cản đường nếu có hỗ trợ từ lực lượng Mỹ trú đóng trong vùng.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, giống trường hợp Kiev coi các tỉnh ly khai ở miền đông Ukraina. Những tỉnh ly khai đó, một bên được Hoa Kỳ hỗ trợ, còn bên kia là Nga. Cả hai trường hợp khá tương đồng, thế nhưng người ta ủng hộ Đài Loan nhân danh một điều mà người ta lại từ chối với Nga. Do đó, phải hiểu rằng đối với Bắc Kinh, có gì đó bất thường trong kiểu hành xử « nhất bên trọng nhất bên khinh » này, đặc biệt là nhìn từ Bắc Kinh, từ hơn một nửa nhân loại sống ngoài phương Tây, rất khó để giải thích bên này là tốt, còn bên kia là không tốt ».
Tổng thống Pháp kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu không « theo » Hoa Kỳ hay Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan. Trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế Pháp Les Echos hôm 07/04 và được đăng ngày 09/04, ông Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu « thức tỉnh » : « Ưu tiên của chúng ta không phải là thích ứng với lịch trình của những cường quốc khác ở trong các vùng trên thế giới »« chúng ta không muốn bị lôi kéo vào tâm lý phe phái ».
----------