Ý nghĩa của việc Hoàng tử Edward được vua Charles III phong Công tước Edinburgh
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2023-03-11


Hoàng tế Philip và con trai út, hoàng tử Edward trong hình chụp năm 2012
Hoàng tử Edward vừa được anh trai của ông, vua Charles III tặng tước hiệu Công tước Edinburgh, theo tin từ Điện Buckingham hôm 10/03/2023.
Đây là tước hiệu lúc sinh thời của cố Hoàng tế Philip người Hy Lạp, chồng của cố Nữ hoàng Elizabeth II (1926-2022).
Ông được phong Công tước Edinburgh năm 1947, khi cưới công chúa Elizabeth, trưởng nữ của vua George VI.
Khi vua cha đột ngột qua đời hai năm sau đó, công chúa lên làm Nữ vương Anh quốc và khối Thịnh vượng chung, hiệu là Elizabeth Đệ nhị. Từ đó Công tước Philip đóng vai trò phu quân.
Sau khi ông qua đời tháng 4/2021, tước hiệu này "trở về với Thái tử Charles" nhưng ông không sử dụng.
Nay, vua Charles tặng nó cho em trai út nhân lễ sinh nhật của Hoàng tử Edward.
Các tước vị có ý nghĩa quan trọng khác nhau
Năm nay 59 tuổi, Hoàng tử Edward là con trai út của cố Nữ hoàng Anh và cố Hoàng tế Philip.
Cho tới nay, ông chỉ có tước hiệu Bá tước xứ Wessex, thấp hơn Hoàng tử thứ nhì, Andrew, Công tước xứ York.
Khi chưa lên làm vua thì hoàng tử cả, Charles là Hoàng tử xứ Wales, một tước hiệu đặc biệt ở Anh, có nghĩa là người kế vị số 1, tức Thái tử Vương quốc Anh.
Khi lên nối ngôi cuối năm ngoái, vua Charles trao tước Hoàng tử xứ Wales cho con trai trưởng William.
Trong hệ thống tước hiệu, phẩm trật của triều đình Anh xưa, các tước vị cao nhất cùng tên nhưng lại có thứ bậc khác nhau, tùy vào địa danh "đất phong tượng trưng".
Tước vị gắn với các xứ đã hoặc đang là nước riêng, như Scotland, một vương quốc riêng cho tới 1707 và hiện là "nước" (country) như xứ Wales, thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh bên cạnh England, là cao nhất.
Tước 'Hoàng tử xứ Wales' có nghĩa là thái tử kế vị ngai vàng Anh quốc, chứ không có nghĩa là 'con trai- hoàng tử của vua xứ Wales, vốn đã không còn tồn tại'. Tước này được vua Anh Edward I lập ra năm 1301 để cho con trai mình nắm giữ sau khi chinh phục Wales.
Công tước Edinburgh tức 'ông chủ' thành Edinburgh, thủ đô Scotland là chức cao quý và không mang tính thế tập. Mỗi đời vua Anh sẽ đem tước này trao cho một thành viên hoàng tộc, nhưng không có quyền truyền lại cho con cháu người đó.

Hoàng tế Philip, phu quân Nữ hoàng Anh Elizabeth II, vừa tạ thế
Việc được phong làm công tước Edinburgh ngay lập tức đưa vị trí nhà nước của Hoàng tử Edward lên làm thành viên Hội đồng tư vấn của Nguyên thủ quốc gia Anh.
Trong trường hợp của Hoàng tử Edward, con trai của ông năm nay 15 tuổi sẽ chỉ nhận danh hiệu bá tước Wessex và tử tước Severn.
Các vương quốc cổ xưa để lại di sản 'tước hiệu trên giấy'
Các xứ từng là tiểu vương quốc riêng của người Saxon thời cổ đại trên đất Anh sản sinh ra những danh hiệu cao nhất: hoàng tử, hoàng thân, công tước.
Các địa phương nhỏ hơn thì chỉ có bá tước, nam tước.
Ví dụ hạt Kent ở Đông Nam nước Anh từng là một vương quốc thời xưa, có tước Prince of Kent - nay thuộc về Hoàng tử Michael of Kent. Đây là tước hiệu, không phải tên riêng (nam giới) nên vợ của ông là Princess Michael of Kent.


Hoàng tử Edward cưới Sophie Helen Rhys-Jones năm 1999
Sinh năm 1942, ông là em họ Nữ hoàng Elizabeth. Cha ông, Công tước George xứ Kent là em trai Vua George VI.
Sussex, một hạt (county) phía Nam London cũng từng là vương quốc của người Anglo-Saxon (thế kỷ 4) và ngày nay, Công tước xứ Sussex là tước hiệu của Hoàng tử Harry.
Thành phố York, thủ đô vương quốc Jorvik của người Đan Mạch thời kỳ dân Viking chiếm đảo Anh, cũng gắn liền với danh hiệu quan trọng ở triều đình Anh: công tước xứ York, có từ thế kỷ 15.
Một số danh hiệu khác như công tước Cambridge, công tước Albany (Scotland)…có vị trí thấp hơn và thường được trao cho cháu trai của vua đương quyền. Các tước này gắn với lịch sử của một số đô thị quan trọng nhưng không phải là vương quốc thời xưa ở Anh.
Có tước quý tộc đã bị xóa, chỉ còn giữ lại một số chức vụ đi kèm với đất phong.
Ví dụ Anh không còn "công tước Lancaster" nhưng "đại thần công quốc Lancastet-Chancelor of the Duchy of Lancaster" thì vẫn còn và là một chức ngang bộ trưởng. Người hiện giữ chức này là ông Oliver Dowden, Bộ trưởng Văn phòng Phủ Thủ tướng Anh.
Tương tự, nhiều chức vụ trong chính phủ Anh về mặt chính thức vẫn có gắn với tước hiệu quý tộc, đại thần của thời phong kiến.
Ví dụ chức thủ tướng Anh có danh hiệu First Lord of Treasury - Đại thần phụ trách Ngân khố - vì theo truyền thống, thủ tướng là người lo "tay hòm chìa khóa" cho vua.
Tất cả các tước vị này, kể cả một số danh hiệu quý tộc như Công tước Edinburgh của Hoàng tử Edward, Công tước Sussex của Hoàng tử Harry, hay Công tước Cambridge của William cho tới gần đây chỉ có trên giấy mà không có đất phong đi kèm như xưa.
Các thành phố, quận nói trên hoàn toàn tự quản theo chế độ hành chính dân chủ ở Anh. Tuy thế, trong các ngày lễ lớn, người ta đón vị công tước "tới thăm" và đôi khi được trao chiếc chìa khóa tượng trưng vào thành phố.
Tới đây, Hoàng tử Edward sẽ tới Edinburgh để làm lễ đánh dấu sự ủng hộ của người Scotland cho Ukraine sau một năm cuộc xâm lăng của Nga.
Vì trên thực tế, Hoàng gia Anh dòng Windsor hiện chỉ sở hữu một số dinh thự trên cả nước như "của riêng", gồm đất đai xung quanh.
Còn lại mọi vùng đất lớn, cộng với vàng bạc châu báu ở Anh lại do Hoàng triều quản lý (chế độ Crown Estate) chứ không thuộc về vua chúa nào cụ thể.
Vua hay nữ hoàng đang tại vị không được bán hay lấy làm của riêng.
Quy định 'in right of the Crown' tức 'quyền gắn với Vương miện' này đảm bảo các tài sản lớn vĩnh viễn thuộc về nước Anh chứ không bị mất đi mỗi khi thay đổi một triều đại.
----------