Tàu sân bay Phúc Kiến lần đầu ra biển thử nghiệm
Tác giả : Nguyễn Tiến Nguồn: VnExpress Ngày đăng: 2024-05-01
Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, bắt đầu chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên sau khi hạ thủy gần hai năm trước.
Tàu sân bay Phúc Kiến khởi hành từ nhà máy đóng tàu Giang Nam, phía đông Thượng Hải, vào sáng 1/5. Chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên của tàu Phúc Kiến "chủ yếu kiểm tra độ tin cậy và độ ổn định của hệ thống đẩy cùng hệ thống điện" trên chiến hạm.
Chưa rõ chuyến thử nghiệm trên biển của tàu Phúc Kiến kéo dài bao lâu. Sau khi hạ thủy vào tháng 6/2022, tàu Phúc Kiến trải qua qua trình trang bị, điều chỉnh thiết bị và đã hoàn thành thử nghiệm neo đậu, liên quan đến kiểm tra hoạt động của hệ thống đẩy chính khi tàu neo tại chỗ.
Tàu sân bay Phúc Kiến được đánh giá là trọng tâm chính trong nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân "biển xanh" có thể tác chiến xa bờ dài ngày của Trung Quốc. Chiến hạm Phúc Kiến thuộc lớp Type-003 có lượng giãn nước khoảng 71.000 tấn, được hạ thủy vào tháng 6/2022, là tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự chế tạo.
Tàu sân bay Phúc Kiến tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, phía đông Thượng Hải ngày 1/5. Ảnh: Xinhua
Khác với tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông với thiết kế cầu nhảy kiểu cũ, chiến hạm Phúc Kiến được trang bị hệ thống phóng máy bay vằng điện từ EMALS (ElectroMagnetic Aircraft Launch System) giống siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford thuộc lớp cùng tên của Mỹ. EMALS cho phép triển khai máy bay nhanh hơn với số lượng vũ khí mang theo nhiều hơn so với hệ thống máy phóng hơi nước.
Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho biết tàu sân bay Phúc Kiến "dự kiến trở thành chiến hạm mặt nước lớn nhất của hải quân Trung Quốc, nâng cao đáng kể năng lực của quân chủng này".
Trung Quốc những năm qua phát triển mạnh mẽ lực lượng hải quân, tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động ở Thái Bình Dương và thách thức hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu trong khu vực.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) của Mỹ hồi tháng 1 nhận định hải quân Trung Quốc có quy mô lớn nhất thế giới và dự kiến nâng tổng số chiến hạm trong biên chế lên 435 chiếc vào năm 2030.
Điều này sẽ giúp Trung Quốc "giải quyết vấn đề Đài Loan bằng biện pháp quân sự nếu cần""đạt mức độ kiểm soát hoặc ưu thế lớn hơn tại những vùng biển gần", theo CRS.
Trung Quốc cũng muốn hải quân "có thể ngăn chặn Mỹ can thiệp vào xung đột ở vùng biển gần nước này, liên quan đến đảo Đài Loan hoặc vấn đề khác". "Nếu không ngăn chặn được thì họ muốn trì hoãn hoặc giảm hiệu quả can thiệp của quân đội Mỹ", CRS cho biết.
Nguyễn Tiến
(Theo AFP, Xinhua)
----------